(GDTĐ) - Theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, tháng cuối của năm là tháng 12 âm lịch, thường gọi là tháng Chạp. Tháng Chạp cũng được gọi là tháng “tống cựu, nghinh tân”, tiễn những điều cũ và đón điều an lành của năm mới.
Cúng Rằm tháng Chạp gồm những gì?
Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm tháng Chạp là ngày mặt trăng và mặt trời gần nhau nhất, nhìn thấu rõ và soi chiếu vào tâm hồn giúp con người trở nên sáng suốt, thanh tẩy được những đen tối vẩn đục trong lòng. Nhờ mặt trăng - mặt trời thông suốt nên phần tâm linh tổ tiên ông bà dễ dàng kết nối với con người và chỉ cần thật tâm cầu nguyện là có thể đạt tới sự cảm ứng.
Tháng Chạp cũng được gọi là tháng củ mật, ý nghĩa tên gọi này như 1 lời nhắc nhở mọi người cần cẩn trọng, tránh sai sót kẻo bị ông bà tổ tiên trách phạt.
Lễ cúng Rằm tháng Chạp không khác nhiều so với những ngày Rằm khác. Tuy nhiên, đây là ngày Rằm cuối cùng của năm nên nhiều gia đình cũng chuẩn bị tươm tất hơn, phần vì tạ ơn gia tiên, thần linh, phần là để cầu mong những điều lành tìm đến trong năm mới.
Tùy theo văn hóa của mỗi nơi và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau. Có gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng chay hoặc cúng mặn. Mâm cúng thông thường gồm 5 thành phần là hương (nhang), hoa tươi, đèn (nến), quả tươi và các món ăn.
Hương (nhang) nên chọn loại hương tự nhiên, không dùng loại có nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hoa tươi nên là các loại hoa dâng ban thờ như hoa cúc, hoa huệ... mang màu sắc và hương thơm thanh nhẹ.
Quả tươi nên là các loại hoa quả đúng mùa, để được lâu ngoài nhiệt độ thường. Có thể chọn 3 hoặc 5 loại quả có màu sắc khác nhau tượng trưng cho sự đầy đủ, cân bằng.
Bên cạnh đó, nên thắp sáng ban thờ bằng đèn, nến để mang lại cảm giác ấm cúng, chan hòa.
Ngoài ra, mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp nên được chuẩn bị cẩn thận, đơn giản nhưng tinh tế. Có thể chọn xôi gấc, canh măng hoặc đĩa bánh chưng, chả nem, rau xào... Tùy theo điều kiện gia đình để chuẩn bị.
Nên làm gì vào ngày Rằm tháng Chạp
Theo chuyên gia phong thủy, gia chủ có thể bắt đầu làm lễ cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14 hoặc 15 âm lịch tức là ngày. 25/01/2024 dương lịch. Có gia đình thực hiện lễ cúng cả 2 ngày cũng không sao cả.
Thông thường, mọi người sẽ làm lễ cúng vào chiều tối ngày 14 âm lịch hoặc sáng ngày 15 âm lịch. Không nên cúng quá khuya. Tốt nhất là nên dâng hương vào trước khi trời tối hoặc sáng sớm ngày hôm sau.
Để nghi lễ cúng rằm được trang nghiêm, mọi người nên tắm gội sạch sẽ, trang phục gọn gàng, lịch sự. Tránh mặt quần cộc, áo ngủ... vào làm lễ. Trong ngày Rằm tháng Chạp, mọi người trong gia đình nên giữ hòa khí, không nên cãi vã hoặc tranh luận, làm vỡ đồ đạc. Mọi người cũng không nên vay mượn tiền bạc hoặc xuất tiền để ảnh hưởng tới vận khí.
Đặc biệt kiêng vay mượn tiền bạc vì món nợ sẽ vắt sang năm mới, dự báo một năm không may mắn, ảnh hưởng đến vận tài lộc. Nếu nợ nần ai thì cũng nên cố gắng trả hết trong năm cũ. Bên cạnh đó, vì là tháng cận Tết, ai cũng muốn mua sắm nhiều thứ để chuẩn bị Tết nên không vay mượn kẻo ảnh hưởng, phiền phức tới người khác.
Vào ngày Rằm tháng Chạp, mọi người cũng nên đi chùa, thực hiện phóng sinh cứu vật nhằm nuôi dưỡng lòng từ bi, giảm thiểu nghiệp sát sinh cho bản thân và gia đình, giúp tăng thêm tuổi thọ.
Các thành viên trong gia đình cũng nên tham gia các chương trình từ thiện, thực hành việc bố thí cho người nghèo, gia đình khó khăn, tham gia các chương trình Tết nghĩa tình, Tết vì người nghèo... để tăng thêm phúc báo cho gia đình, con cháu đời này và nhiều đời sau.
Sau ngày Rằm tháng Chạp, mọi người sẽ chuẩn bị cho ngày cúng ông Công ông Táo về chầu trời, báo cáo những việc đã làm trong năm cũ và cầu mong những việc thuận lợi cho năm mới.
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành các phần việc đang dang dở, mọi người còn phải tranh thủ thời gian lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Chỗ nào cần sửa chữa thì sửa ngay để tránh những điều đen đủi trong năm mới.