Liên kết vùng để có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Anh Tú | 15/05/2022, 16:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia chủ đề "Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau Covid-19”.

Hội thảo khoa học Quốc gia Hội thảo khoa học Quốc gia "Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”.

Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện của Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 diễn ra từ ngày 14- 17/5, đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Trường Đại học Văn Hiến.

Hội thảo với sự chủ trì của Lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, đại diện Ban Giám đốc Sở Du lịch Thành phố, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn Hiến và sự tham dự của gần 200 khách mời là Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch 23 tỉnh, thành phố...

Hội thảo đã quy tụ hơn 70 tác giả với hơn 55 bài viết từ 24 trường đại học; 7 cơ quan, doanh nghiệp và 3 viện nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch. Đây là cơ hội lớn để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tiếp xúc, giao lưu và thảo luận các vấn đề phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch.

Với 4 nội dung chính mang tính trọng tâm tại hội thảo như: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Phát triển các loại hình du lịch đặc thù... các đại biểu và chuyên gia đã cùng nhau thảo luận để tìm ra các giải pháp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực du lịch hậu Covid-19.

Phát biểu tại hội thảo, ThS. Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Ngành du lịch vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới dù xã hội đã trở lại trạng thái bình thường, người dân đã được tiêm vác xin đầy đủ. Tuy vậy, một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực.

"Trước dịch Covid-19, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp thì sau tác động của dịch bệnh Covid-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.

Nguồn nhân lực du lịch đào tạo hiện chưa thực sự đạt chuẩn, một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao, chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chưa chú trọng đào tạo nhân lực quản lý của ngành.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó, 15% có trình độ đại học, 50% có trình độ cao đẳng, trung cấp. Qua đó, cho thấy, cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa hợp lý giữa các loại hình của ngành du lịch."- bà Hiếu chia sẻ.


Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch phát biểu tham luận tại hội thảo.

Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn là; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng…

Xây dựng, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ…

Nếu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Để có nguồn nhân lực du lịch chất lượng sau đại dịch Covid-19, các địa phương cần chủ động thực hiện tốt 5 vấn đề như:

Các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực quay trở lại làm việc, tổ chức bồi dưỡng đào tạo cho các nhân lực du lịch phục vụ tại các địa phương, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng;

Cần có kế hoạch lâu dài phát triển nguồn nhân lực du lịch, đào tạo nhân lực chất lượng cao kết hợp chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.

Xem xét, rà soát, phát triển các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực du lịch đáp ứng xu thế du lịch mới và nhu cầu của khách du lịch.

Nâng cao năng lực cơ sở giáo dục tham gia đào tạo du lịch, tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch, trong đó tập trung đào tạo nhân lực cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực kinh doanh, các cơ sở giáo dục cần nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực của giáo viên, giảng viên, cập nhật, đổi mới xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nhân lực du lịch theo chuẩn ASEAN.

Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực, xác định việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch là mục tiêu then chốt và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò là đầu tàu hỗ trợ thực hiện đào tạo và gắn kết du lịch trong khu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết vùng để có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao