Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Bản Bo, huyện Tam Đường có 416 học sinh với 12 lớp. Trong đó, có 105 em được hỗ trợ tiền ăn bán trú theo Nghị Quyết 04.
Song song với việc đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp, đảm bảo việc đổi mới Chương trình GDPT năm 2018, nhà trường đã chú trọng đến công tác nuôi dưỡng bán trú. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục đạo đức lối sống và nâng kỹ năng sống cho trò. Trường cũng đa dạng hóa các hoạt động thu hút học sinh đến trường.
Cô giáo Nguyễn Thị The, Hiệu trưởng Trường THCS Bản Bo chia sẻ: “Sau khi có Nghị quyết 04 hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh ở bản xa trung tâm, nhà trường đã tổ chức triển khai đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ có tiền hỗ trợ ăn bán trú nên trường luôn duy trì sĩ số ở bán trú và tỷ lệ chuyên cần”.
Em Hà Thị Phúc, lớp 8A3, Trường THCS Bản Bo chia sẻ: “Sau khi không được hưởng chế độ của Nhà nước, gia đình em phải chu cấp tiền, gạo, củi để em được ở bán trú tại trường. Đến năm học 2022 – 2023, chúng em được hỗ trợ ăn bán trú nên gia đình không phải chi tiền mà chỉ đóng góp thêm gạo, củi. Chúng em ở trường được thầy cô nấu ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng nên cũng yên tâm học hành”.
Chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. |
“Nhà trường tiếp tục thực hiện ‘6 hơn’ cho học sinh (an toàn hơn – vui hơn – ăn ngon hơn – chơi tốt hơn – lao động và rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn - ở và học tập tốt hơn). Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, đã duy trì tỷ lệ chuyên cần học sinh bán trú đạt từ 92% trở lên. 100% học sinh nắm được các kỹ năng sống cơ bản” - cô Nguyễn Thị The cho biết thêm.
Theo cô The, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó còn tuyên truyền về giáo dục và huy động học sinh ra lớp. Tuyên truyền, vận động phụ huynh ủng hộ chủ trương của nhà trường, ngành và địa phương trong thực hiện chính sách hỗ trợ.
Trên tinh thần Nghị quyết 04, tỉnh Lai Châu dùng ngân sách địa phương hàng năm chi cho sự nghiệp GD&ĐT hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh tiểu học, THCS, THPT trong 3 năm học. Theo đó, năm học 2022 – 2023, mỗi tháng, học sinh sẽ được hỗ trợ bằng 30% mức lương cơ sở. Trong 2 năm tiếp theo sẽ lần lượt giảm 10% tiền hỗ trợ theo mức lương cơ sở. Việc hỗ trợ tính theo thời gian thực học, không quá 9 tháng/năm.
Lý giải nguyên nhân giảm dần hỗ trợ qua các năm, NGƯT Đinh Trung Tuấn cho biết: “Hiện vẫn còn nhiều người dân thường hay trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc tỉnh hỗ trợ tiền ăn bán trú và giảm dần qua các năm là để người dân làm quen với chính sách hiện hành, hướng tới cắt hẳn nguồn hỗ trợ. Qua đó, người dân từng bước hiểu được chính sách và đồng hành với toàn ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu, Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn để triển khai thực hiện chính sách thống nhất trên địa bàn tỉnh” - NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ.
Sở GD&ĐT Lai Châu đã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp để đảm bảo duy trì sĩ số ở các địa bàn chịu ảnh hưởng. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cho con em đi học. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì công tác bán trú trở về mô hình trường bán trú dân nuôi, hoạt động theo hình thức xã hội hóa như: Gia đình học sinh góp tiền, gạo, củi và cán bộ, giáo viên trồng rau, nấu cơm nuôi dưỡng học sinh. - Ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu)