Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Chim Lạc - Biểu tượng của nước Âu Lạc

Hà Thuỷ (t/h) 13/01/2024 06:28

(GDTĐ) - Chim Lạc là một trong những linh vật cổ xưa nhất của người Việt. Hình tượng này mang biểu tượng ý nghĩa lớn lao về cội nguồn lịch sử, khích lệ khát vọng vươn lên, bảo tồn và dựng xây đất nước.

chim-lac.jpg
Linh vật của Việt Nam: Chim Lạc - Biểu tượng của nước Âu Lạc.

Loài chim nước lớn của văn hoá Đông Sơn

Chim Lạc là hình ảnh loài chim nước lớn, xoải cánh bay trên trống đồng và trên một số đồ đồng khác thuộc văn hoá khảo cổ học Đông Sơn.

Chủ nhân của trống Đông Sơn là những cư dân tồn tại trên một vùng địa lý rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử đến các vùng hải đảo, trùm lên cả không gian Đông Nam Á hiện nay. Trống Đông Sơn được gọi với những tên khác như trống đồng Việt cổ, trống đồng Lạc Việt, trống đồng Việt…

Là một nhạc khí thiêng liêng chủ yếu dành cho nghi lễ, trống Đông Sơn còn là một tác phẩm tạo hình tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn. Về tổng quan, hình ảnh trên trống đồng có thể xem là một tổng lễ hội cộng đồng thờ mặt trời, là biểu tượng cao nhất, và lễ hội đó cũng diễn ra dưới ánh sáng mặt trời tràn ngập. Trong nhiều đề tài nghi lễ và lễ hội, các hành động hội khá phong phú về hình thức, liên tục trong thời gian và phổ biến trong không gian.

Thông qua việc diễn đạt lễ hội, trống đồng phản ánh cuộc sống văn hoá thực tiễn và tinh thần, phản ánh những suy nghĩ về thế giới khách quan, mỹ cảm tinh tế, năng khiếu nghệ thuật của người xưa cùng với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của họ. Điển hình là hình ảnh mặt trời, chim lạc, người, nhà, hươu, thuyền… Trong đó, hình ảnh chim lạc xuất hiện bên cạnh mặt trời trên nhiều trống theo tiến trình lịch sử.

chim-lac-2.jpg

Chim Lạc - Biểu tượng của cội nguồn

Trên trống đồng Đông Sơn, có hàng chục loài chim khác nhau: trả, sáo, bồ chao, bồ nông, cò, le le, vịt ngỗng, sáo cờ… tuỳ cách nhìn của các nhà nghiên cứu. Chim tồn tại trong những bối cảnh không gian khác nhau như mặt nước, mặt ruộng, bầu trời, nóc nhà, mũi thuyền, đầu nhân vật… Tư thế miêu tả chim lại càng phong phú với các hình ảnh bay gần, bay xa, đậu, đứng, nằm, mò, gắp cá, gù nhau, ngủ, rình mồi…

Trong đó, chim lạc là loài có tầm vóc lớn, sải cánh rộng, mỏ dài, chân cao, mào lớn đang xoải cánh bay xa. Loài chim này được xếp ở vành lớn (Trống Ngọc Lũ), không gian rộng và ở nhiều trống, nó lấn át các hình ảnh khác.

Về không gian mô tả, nó bay trên một bầu trời rộng rãi. Về tư thế, mỏ dài ngẩng cao về phía trước để định hướng, chân và mào dài, xuôi hẳn song song thân mình tạo cảm giác tốc độ lớn. Sải cánh rộng gợi ý sức bền để bay xa, tương phản với những chú chim nhỏ đậu và ngủ ngay dưới chân mình, tạo nên nét đối lập thú vị.

Về bút pháp, đó là những yếu tố kỷ hà học (trừu tượng, thiêng liêng) hài hoà với yếu tố miêu tả sinh động và hiện thực (khác với những loài nhỏ cơ bản là tả thực). Tính biểu tượng được khắc hoạ rõ nét, vừa đủ trực quan, vừa đủ khái quát.

Hình thể to lớn, bầu trời cao rộng, tốc độ vút nhanh, đường bay xa tắp, hướng bay ngút ngàn, xoay quanh các tia sáng mặt trời toả rạng với chu kỳ năm và cũng là quay về nơi chôn rau cắt rốn. Đó là biểu tượng của chim lạc trên trống đồng.

Với tư cách là một biểu tượng, chim lạc vừa gần gũi thân quen vừa thiêng liêng cao cả. Chim lạc vươn lên với cao rộng như khát vọng muôn đời chinh phục bầu trời. Chim lạc tượng trưng cho ước mơ vượt không gian bất chấp giông tố thử thách.

Bài liên quan
Linh vật của Việt Nam: Giao long - Loài thuỷ quái khổng lồ
(GDTĐ) - Giao long là sinh vật huyền bí bậc nhất trong dân gian Việt Nam, là nỗi ám ảnh đáng sợ với người dân trong một thời gian dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Chim Lạc - Biểu tượng của nước Âu Lạc