Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Giao long - Loài thuỷ quái khổng lồ

Hà Thuỷ (t/h) {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Giao long là sinh vật huyền bí bậc nhất trong dân gian Việt Nam, là nỗi ám ảnh đáng sợ với người dân trong một thời gian dài.

giao-long.jpg

Giao long thực chất là con gì?

Giao long hay còn gọi là thuồng luồng, là sinh vật linh thiêng, có hình thù như một con rắn to lớn với 4 chân, làm chủ vùng sông nước và có khả năng trị thuỷ. Sự sinh trưởng và phát triển của giống giao long trải qua các giai đoạn khác nhau. Khi trứng nở, nó chỉ là những con rắn nhỏ bằng 2 ngón tay dài khoảng 2 gang tay và không có chân.

Khi lớn lên, chúng mọc ra các chân, cơ thể to lớn khác thường, có thêm sừng/mào như rồng. Giai đoạn này được gọi là thuồng luồng. Thuồng luồng sống ở vùng sông ngòi sâu trong đất liền và có thân hình to lớn, ẩn sâu trong nước.

Khi thuồng luồng mọc đủ 4 chân cũng là lúc chúng trưởng thành, có khả năng sinh sản. Lúc này chúng được gọi là giao long.

Giao long sống ở cả vùng nước ngọt lẫn nước mặn. Khi đến thời kỳ sinh sản, chúng từ biển bơi ngược vào vùng nước trong đất liền mà giao phối rồi sinh con đẻ cái. Tuổi thọ của giao long khá cao. Khi sắp chết, chúng sẽ bơi ra biển để không ai tìm được xác của chúng.

Truyền thuyết hồ Ba Bể kể rằng, hồ là do 1 trận lụt lớn mà thành. Trong trận lụt có rất nhiều người chết và chỉ có 2 mẹ con được cứu sống do trước đó đã giúp đỡ 1 bà cụ ăn xin do giao long hoá thành. Theo suy đoán, hồ Ba Bể chính là vùng đất mà giao long lựa chọn làm tổ khi đến mùa giao phối. Vì thế, nơi đây thường xuyên xuất hiện lũ cuốn.

Sức mạnh của loài giao long hay thuồng luồng nằm ở thân hình cực kì to lớn. Giao long bơi trong nước tạo thành những xoáy nước mãnh liệt, khi chúng sinh sản sẽ tạo ra những dòng lũ cuốn vũ báo. Chúng còn có phép độn thổ có thể nuốt đất đá để tạo thành những địa đạo rồi điều thuỷ đi theo những địa đạo này. Bởi vì chúng đi đến đâu nước sẽ bị dẫn theo đến đó, mà theo phong thuỷ hình thế, nước chính là vật truyền sinh khí trong đất, nên ít nhiều chúng cũng có thể làm dịch chuyển các địa huyệt.

Một số truyền thuyết, cổ tích cho rằng thuồng luồng là vua thuỷ tề, hà bá hay con cháu của họ. Do đó, nó có sức mạnh của thần linh. Tương truyền, thuồng luồng sở hữu huyết long, cao long và não long. Con người nếu ăn được huyết long sẽ có tâm trí tinh thông, tà trí không làm hại nổi. Nếu ăn được cao long (cốt rồng) sẽ vô cùng khoẻ mạnh. Còn não long được lấy khi thuồng luồng chết đi, có mùi thơm, người thường ngửi sẽ say và có thể phát điên. Tuy nhiên, người có căn duyên ngửi nó sẽ gia tăng pháp lực.

giao-long-2.jpg

Tục thờ Thuỷ thần của người Việt

Dọc các sông lớn ở khu vực Bắc Bộ xưa kia thường có những đền thờ thần Thuồng Luồng, gọi là Giao thần.

Đối với ngư dân, thuồng luồng là nỗi khiếp sợ vì hay đánh phá tàu thuyền, bắt người ăn thịt. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ - Hồng Bàng, An Dương Vương, có đoạn: “… Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suốt đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: Người man ở núi khác với các loài thuỷ tộc; các thuỷ tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thuỷ quái ở mình. Từ đấy, thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa”. Tục xăm mình kéo dài hơn 1000 năm, đến tận thời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) mới chấm dứt.

Truyền thuyết về thuồng luồng gắn với vai trò là con vua Thuỷ tề Hoàng Lang xin cha mẹ 5000 quân đi giúp vua Lý Anh Tông (1054 - 1072) diệt giặc Vĩnh Trinh rồi hoá ở bến hồ Tây.

Theo Lĩnh Nam Chích Quái, khi danh sư Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có một cậu học trò chăm chỉ đến học nhưng tung tích bí ẩn. Chu Văn An biết là thuỷ thần. Đến năm hạn hán, cậu học trò được thầy nhờ cậy liền trái luật triều đình, làm mưa cứu dân. Cậu học trò bị trừng phạt và hiện xác là một con thuồng luồng nổi lên trên đầm. Dân 7 làng quanh vùng đã tôn thuỷ thần làm Thành hoàng, lập đền thờ. Nơi thờ chính đặt ở miến Gàn, làng Bằng Liệt. Miếu có tên chữ là Xá Can từ.

Trong văn hoá và tín ngưỡng Tày, Nùng, hình tượng thuồng luồng cũng chiếm tần suất khá lớn. Thuồng luồng đứng đầu một cõi trong tam giới - cõi Thuỷ phủ. Đồng bào cho rằng, thuồng luồng là hiện thân của Long Vương và là chủ quản một vùng nước, có sức mạnh và hung bạo bậc nhất. Đồng bào tôn thuồng luồng thành thần linh và được thờ ở những ngôi miếu ven sông, suối lớn của các tỉnh Việt Bắc. Có thể kể đến các ngôi đình là đình Vằng Khắc, đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn), miếu Long Vương (Cao Bằng),..

Người Tày, Nùng cũng gán cho thuồng luồng việc làm mưa thay cho con rồng. Truyền thuyết về ngôi đình Tùng Tày tôn thờ sơn thần Quý Minh Đại Vương thuộc xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, Lạng Sơn có đôi thuồng luồng là quan văn, quan võ cận vệ của thần. Cứ mỗi kỳ mở hội là đôi thuồng luồng hiện ra và 3 ngày sau sẽ có mưa.

Trong văn hoá dân gian, những huyền thoại thuồng luồng đều gắn với sự đấu tranh của con người với thiên nhiên. Trong thần tích các ngôi đền/đình ven các con sông lớn ở vùng Việt Bắc, thuồng luồng là nhân vật hung dữ, ác ôn nhưng được con người cảm hoá và trở nên lương thiện. Điển hình cho thần tích này là sự tích miếu Long Vương Thông Hoè (Trùng Khánh, Cao Bằng) kể về một bà lão chăm sóc thuồng luồng con rồi trả về cho thuồng bố mẹ.

Sự tích lễ hội đình Vằng Khắc (xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) kể về ông lão nuôi dưỡng thuồng luồng sau đó thuồng luồng cứu bản làng khỏi nạn lũ lụt.

Sách Đại Nam nhất thống chí và truyện Cha và con ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) cũng ghi lại những câu chuyện con người chiến đấu với thuồng luồng để giữ yên bình cho bản làng. Thuồng luồng chính là nhân vật đại diện cho tự nhiên hung dữ bị con người khống chế và tiêu diệt.

Tục thờ thuồng luồng là biểu hiện trung gian cho quá trình chuyển biến từ tục thờ rắn đến thờ rồng. Thuồng luồng đại diện cho thế giới hà khắc, bí ẩn mà con người luôn khao khát chiếm hữu đồng thời cũng thể hiện nỗi kính sợ đối với tự nhiên.

Bài liên quan
Linh vật của Việt Nam: Phượng hoàng trong phong thuỷ
(GDTĐ) - Trong phong thuỷ, Phượng hoàng được mệnh danh là loài chim thần tái sinh từ đống tro tàn. Trong những truyền thuyết phương Đông và cả phương Tây, Phượng hoàng luôn hiện lên với vẻ thiêng liêng, cao quý.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Giao long - Loài thuỷ quái khổng lồ