Việt Nam tham gia PISA chu kỳ 2025 với hình thức trên máy tính ở phạm vi toàn quốc.
Mẫu khảo sát PISA được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Từ chu kỳ 2012 đến nay, Việt Nam thực hiện chọn mẫu dựa trên biến phân tầng chính là Miền (Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam).
Tuy nhiên, chu kỳ 2025 Việt Nam thay đổi biến phân tầng từ 3 miền sang 6 vùng kinh tế - xã hội để phù hợp với Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023 và hoàn cảnh thực tiễn.
Việc thay đổi biến phân tầng sẽ giúp đưa ra những đánh giá cụ thể và kết luận riêng biệt cho từng vùng kinh tế, tăng ý nghĩa của kỳ đánh giá.
Lĩnh vực trọng tâm của PISA chu kỳ 2025 là lĩnh vực Khoa học. Đánh giá PISA đo lường mức độ các quốc gia chuẩn bị cho học sinh của mình hiểu biết về khoa học và cách khoa học tạo ra kiến thức đáng tin cậy.
Điều này đặc biệt quan trọng trong thế kỷ 21 khi nhân loại phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi bước vào kỷ nguyên mà tác động của con người đang làm thay đổi đáng kể các hệ thống của Trái đất - Kiến thức về khoa học sẽ đóng vai trò quan trọng ở cấp độ cá nhân, khu vực và toàn cầu khi giải quyết những tác động này.
Trong hai thập kỷ qua, PISA đã trở thành thước đo hàng đầu thế giới về đánh giá chất lượng, công bằng, hiệu quả của hệ thống trường học và có ảnh hưởng đối với cải cách giáo dục. Ngày nay, PISA tập hợp hơn 90 quốc gia - đại diện cho 80% nền kinh tế thế giới.
Việt Nam bắt đầu tham gia PISA từ chu kỳ 2012, đã hoàn thành các chu kỳ PISA 2012, 2015, 2018, 2022 và đang triển khai chu kỳ 2025 theo lộ trình. PISA chu kỳ 2025 là chu kỳ đầu tiên Việt Nam thực hiện khảo sát trên máy tính.