Lộ ‘bí quyết' tránh mất điểm môn Giáo dục công dân

20/06/2023, 10:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vững kiến thức và kỹ năng, cô Triệu Thị Khuyên cũng lưu ý học trò phải phân bổ thời gian để hoàn thành tốt bài thi môn Giáo dục công dân.

“Bật mí” kỹ năng làm bài thi

Gần 30 năm công tác tại trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang (Bắc Giang) là từng đó năm cô Triệu Thị Khuyên gắn bó với học trò ở môn Giáo dục công dân (GDCD). Theo cô Khuyên, GDCD là môn học góp phần quan trọng trong giáo dục đạo đạo, pháp luật cho học sinh.

"Không phải từ khi môn GDCD có tên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì vai trò của nó mới quan trọng. GDCD liên quan đến giáo dục về đạo đức, ý thức pháp luật. Với học sinh lớp 12 để học và hiểu về kiến thức pháp luật là rất quan trọng...", cô Khuyên nhấn mạnh.

Cô Khuyên cho hay, ngoài môn thi chung thì học sinh nhà trường phần lớn thi tổ hợp KHXH, trong đó có môn GDCD. Để học và thi tốt môn học này, học sinh phải nắm vững kiến thức trong SGK để giúp các em dễ dàng đạt mức từ 5 điểm trở lên. Tuy nhiên để đạt điểm 8,9 thì học sinh phải cần nỗ lực rất nhiều.

“Các em không chỉ nắm vững kiến thức trong SGK mà phải hiểu và vận dụng linh hoạt các câu hỏi tình huống. Bên cạnh đó các em còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lí các câu hỏi một cách hợp lí nhất để dành được số điểm tối đa...", cô Khuyên bày tỏ.

Lộ ‘bí quyết' tránh mất điểm môn Giáo dục công dân ảnh 1

Cô trò cùng trao đổi và luyện đề môn GDCD trên lớp.

Với học sinh lớp 12, từ đầu các năm học, cô Khuyên đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho môn GDCD với 3 giai đoạn (khởi động, tăng tốc và giai đoạn về đích). Trong cả 3 giai đoạn trên với lượng câu hỏi và dạng bài không quá nhiều nhưng bao quát toàn bộ chương trình, phủ kín tất các các chuyên đề môn GDCD.

Theo cô Khuyên, thời gian này học sinh tập trung luyện đề cùng ôn củng cố kiến thức, rèn kỹ năng. "Ngoài giờ học buổi sáng, buổi chiều, thì buối tối học sinh tự lên lớp học và cô trò cùng trao đổi bài giúp các em giải đáp những thắc mắc và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT...", cô Khuyên chia sẻ.

Cũng theo cô Khuyên, để đạt điểm khá môn GDCD, học sinh ở trên lớp chỉ cần chú ý nghe giảng, ghi chép và gạch sách các ý cơ bản, chú ý các ví dụ minh họa của giáo viên và lấy được các ví dụ tương tự để vận dụng phần lý thuyết.

Hướng tới bài thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Khuyên cũng lưu ý thời gian làm bài với môn học này, thời lượng 50 phút cho 40 câu hỏi. Như vậy, bình quân mỗi câu chỉ được làm trong 1 phút, 10 phút còn lại để tô đáp án, kiểm tra sai sót. "Thí sinh sắp xếp thời gian làm bài rất quan trọng, nếu dừng lại quá lâu ở một câu sẽ không có thời gian làm các câu khác...", vị giáo viên chia sẻ.

Phụ trách môn GDCD, cô Khuyên kiêm luôn tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Tổ tư vấn tâm lý vận dụng kiến thức môn học làm công tác tư tưởng, tư vấn và định hướng cho học sinh.

"Ví dụ thấy những học sinh hay vi phạm nội quy nhà trường, hoặc có những biểu hiện mà nó lệch chuẩn. Tôi sẽ nắm bắt hoặc thông qua chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân. Trên cơ sở đó mình sẽ gặp gỡ và trao đổi, tư vấn cho các bạn...", cô Khuyên chia sẻ.

Với đặc thù học sinh là gần 100% là người dân tộc thiểu số, vì vậy vai trò tổ tư vấn tâm lý rất quan trọng.

"Môi khi đứng trên bục giảng nhìn các em học sinh dân tộc, tôi như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, khó khăn bao nhiêu, tôi càng nhận thức được rằng nhiệm vụ của người giáo viên nặng nề bấy nhiêu...", cô Khuyên nói.

Chú ý câu hỏi tình huống

Dù đạt giải Khuyến khích môn GDCD tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Nguyễn Thị Thư - lớp 12 trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang vẫn miệt mài ôn tập để có thể đạt điểm tối đa ở môn học này tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây. Theo Thư, môn GDCD không có nhưng nhiều lý thuyết và để đạt điểm 8,9 trở lên thì em học sinh cần nỗ lực rất nhiều.

Tương tự Vi Thị Nguyên lớp 12 trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang cho biết, em lựa chọn môn tổ hợp KHXH vì vậy không xem nhẹ với GDCD. "Dù khối xét tuyển đại học là D và C nhưng em quyết tâm phấn đấu đạt điểm khá trở lên ở môn GDCD...", Vi Thị Nguyên nói.

Lộ ‘bí quyết' tránh mất điểm môn Giáo dục công dân ảnh 2

Không chỉ vững kiến thức, cô Khuyên lưu ý học trò phân bổ thời gian để hoàn thành bài thi.

Còn Nông Thị Hồng - lớp 12 trường THPT Nội trú tỉnh Bắc Giang cho rằng, môn GDCD không được chú trọng lắm trong quá trình học vì vậy có bạn chủ quan đã để mất điểm ở môn học này trong tổ hợp KHXH.

"Qua ôn đội tuyển học sinh giỏi em thấy môn GDCD không dễ, lý thuyết học tốt sẽ làm được những câu cơ bản. Để đạt được điểm tuyệt đối hoặc từ 8 trở lên thì phải là những câu tình huống - đây sẽ là những câu hỏi thực tế cuộc sống để phân loại thí sinh...", Nông Thị Hồng chia sẻ.

Theo học sinh này, để làm tốt bài thi môn GDCD, trước hết phải nắm vững kiến thức nền của sách giáo khoa, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân phải được chú ý. "Các bạn đọc kỹ câu hỏi, vì thường những câu hỏi phân hóa sẽ rơi vào trường hợp xử lý tình huống và giữa các đáp án thường không khác biệt nhau nhiều. Nếu chỉ đọc lướt qua, các bạn có thể bị mất điểm không đáng có...', Nông Thị Hồng bày tỏ.

Trao đổi với báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang - cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tới đây, nhà trường có 134 học sinh dự thi. Trong đó, số thí sinh dự thi môn tổ hợp Khoa học Xã hội là 110 học sinh (có môn GDCD).

Theo thầy Bắc, nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập cho học sinh khối 12. Sau kỳ thi thử tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức, mặt bằng điểm thi học sinh ổn định so với các năm. “Nhà trường tổ chức hội nghị phân tích kết quả thi thử, phân luồng học sinh để đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng ôn, thi tốt nghiệp THPT…”, thầy Bắc thông tin.

Lộ ‘bí quyết' tránh mất điểm môn Giáo dục công dân ảnh 3

Cô Triệu Thị Khuyên - trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang hướng dẫn học trò luyện đề môn GDCD.

Về môn GDCD, thầy Bắc nhấn mạnh, bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường PTDT Nội trú mà đặc biệt với môn học này. "Cô Triệu Thị Khuyên đã phải tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Với học trò, theo cô Khuyên vạch ra những kế hoạch chi tiết cho cả quá trình ôn luyện - từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Vì vậy, năm học 2022 -2023, 2 học sinh của đội tuyển môn GDCD của cô Khuyên đã đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh...", thầy Bắc phấn khởi cho biết.

Chỉ còn ít ngày là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Khuyên và các bạn học sinh lớp 12 của trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang vẫn miệt mài ôn luyện để củng cố lại kiến thức rèn kỹ năng, đặc biệt truyền lửa học tập cho học sinh vững tin trong kỳ thi.

Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang đều đạt 100%, trong đó có khoảng hơn 60% học sinh theo học các trường Đại học - Cao đẳng. Còn các em có nhu cầu tốt nghiệp xong sẽ đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lộ ‘bí quyết' tránh mất điểm môn Giáo dục công dân