Hùng Vương Plaza đóng cửa cải tạo từ 1/8/2022 - thời điểm Kido tiếp quản sau khi Parkson rút đi. Ảnh: Phạm Nguyễn
Cụ thể, Kido sắp hoàn tất mua lại cổ phần tại Hùng Vương Plaza từ đối tác. Hiện tại, Kido đã đặt cọc, dự kiến tháng 8 này sẽ tăng tỷ lệ từ mức 44% ở hiện tại lên 76% trước lúc khai trương Vạn Hạnh Mall.
Có thành công?
“Parkson đặt tại Hùng Vương Plaza cách đây gần 20 năm rồi, nên thất bại của họ chủ yếu do mô hình cũ, không còn hợp với xu hướng hiện nay. Parkson cũng không chú trọng việc cơ cấu tỷ lệ các nhãn hàng, không chú trọng mảng F&B…nên không thu hút được các bạn trẻ. Còn Vạn Hạnh Mall sẽ khác, chúng tôi chú trọng cơ cấu và đa dạng các dịch vụ. Kido sẽ làm khác họ, trong đó sẽ tăng tỷ lệ mảng F&B lên để thu hút khách trẻ” - ông Nguyên nói.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, Vạn Hạnh Mall vẫn hoạt động tốt bởi không có bên nào trả mặt bằng. Ông Nguyên nhấn mạnh, một trung tâm thương mại muốn thành công phải cơ cấu tỷ lệ của các gian hàng thương hiệu, từ mua sắm Nike, Adidas…đến giải trí ăn uống như Halidao, CityGym, Startbuck… Xu hướng Kido nhìn thấy hiện nay là khách hàng muốn đi đến địa điểm tập trung, có nhiều lựa chọn tiện ích như vừa mua sắm, giải trí, ăn uống… và phải có đủ bãi đậu xe.
Tương tự, bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam - cũng khẳng định, mô hình kinh doanh của Parkson hay còn gọi là “department store” đã thể hiện sự thiếu hiệu quả tại thị trường Việt Nam từ cách đây gần 10 năm.
“Quyết định này của Parkson không phải là quá bất ngờ mà phản ánh đúng tình hình của thị trường bán lẻ hiện tại. Cụ thể, các dự án trung tâm thương mại lúc này không còn quá ưu tiên đến cho thuê các diện tích lớn. Thay vào đó, họ ưu tiên chào thuê nhiều sự đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng tại Việt Nam hơn” - bà Quyên nhận xét.
Vạn Hạnh Mall trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM được đánh giá là thành công của Kido.
Theo bà Quyên, các xu hướng phong cách sống mới, sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Nhóm khách hàng thế hệ GenZ hay bối cảnh lạm phát hậu COVID-19 đang tác động không nhỏ đến bất động sản bán lẻ truyền thống. Các nhà bán lẻ và chủ đầu tư trung tâm thương mại tại Việt Nam đang trong giai đoạn thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ này và xây dựng những kế hoạch kinh doanh dài hạn hơn.
Những thói quen mua sắm mới ngày càng tác động rõ rệt đến hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu, điều này khiến các trung tâm thương mại phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, lên kế hoạch 3 - 5 năm để tiếp tục cải tiến mặt bằng hiện hữu, đón chào những thương hiệu quốc tế mới gia nhập vào Việt Nam. Khi một trung tâm thương mại có thương hiệu nổi tiếng mới sẽ tạo ra sức hút và đặc trưng riêng, khiến cho dự án của mình khác biệt so với các đối thủ trong khu vực.
Hiện tại, Tập đoàn Kido đang là chủ sở hữu Vạn Hạnh Mall trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM, với tỷ lệ lấp đầy mặt bằng cho thuê là 100%. Theo ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Kido, trong 4 tháng đầu năm, mỗi tháng Vạn Hạnh Mall đón gần 1 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2019. Năm nay, Vạn Hạnh Mall dự kiến doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng.