Nhưng ngoại trừ quân đội Mỹ với mạng lưới hậu cần sâu rộng, các đồng minh khác như Úc thường vận hành xe tăng Abrams bằng dầu diesel.
Binh sĩ Mỹ làm sạch bộ lọc gió động cơ xe tăng M1 Abrams ở Iraq năm 2005.
Forbes nhận định, Ukraine cũng không phải ngoại lệ khi ưu tiên sử dụng dầu diesel hơn là nhiên liệu máy bay cho xe tăng. Do đó, vấn đề nhiên liệu không phải là yếu tố đặt ra thách thức lớn nhất.
Thách thức lớn nhất nằm ở bộ lọc động cơ. Trong quá trình chiến đấu, cứ hai lần một ngày, kíp lái xe tăng Abrams của Mỹ phải khởi động động cơ tại chỗ để kích hoạt hệ thống xung phản lực, thổi không khí từ động cơ ra khỏi xe tăng để làm sạch bụi bẩn và các mảnh đất đá nếu có, cũng như vệ sinh lọc gió động cơ.
Điều này giúp bộ lọc gió động cơ luôn sạch trong quá trình chiến đấu kéo dài. Trước khi nhà sản xuất tích hợp hệ thống xung phản lực, kíp lái vận hành xe tăng Abrams vào những năm 2000 thường phàn nàn vì động cơ xe tăng quá nhạy cảm với điều kiện môi trường.
Báo cáo của chính phủ Mỹ năm 1992 cho biết, "quân đội đã nắm được vấn đề liên quan đến mức độ tiêu hao nhiên liệu, bơm nhiên liệu thường gặp trục trặc và tình trạng cát, bụi bẩn lọt vào động cơ.
Giải pháp là làm sạch bộ lọc hai lần mỗi ngày. Xe tăng sẽ hoạt động bình thường nếu kíp lái tuân thủ các quy trình đề ra, báo cáo cho biết.
"Kíp lái xe tăng Ukraine chắc chắn đã biết cách vận hành và bảo dưỡng xe tăng Abrams. Vấn đề là nếu mắc sai lầm thì động cơ trị giá hàng triệu USD có thể bị hư hại đến mức không thể sửa chữa trên chiến trường", Mark Hertling, một cựu tướng quân đội Mỹ, nói.
Năm ngoái, truyền thông phương Tây đăng thông tin quân đội Ukraine sử dụng lựu pháo M777, pháo tự hành Pzh 2000 không tuân theo các tiêu chuẩn đề ra, dẫn đến các vũ khí này thường xuyên gặp trục trặc hoặc không còn đảm bảo khả năng khai hỏa chính xác.
Tình trạng này cũng có thể lặp lại nếu Ukraine phớt lờ việc bảo dưỡng và vệ sinh bộ lọc gió của các xe tăng M1 Abrams, theo Forbes.