Su hào chứa các hợp chất thực vật isothiocyanate và glucosinolate, có khả năng giãn mạch máu và giảm viêm, ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch gây xơ vữa động mạch, từ đó ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Hàm lượng anthocyanin cao trong loại củ này còn có thể giúp giảm huyết áp và nguy cơ đột quỵ còn kali trong su hào giúp điều hòa nhịp tim.
Một đánh giá từ 15 nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm 24% nguy cơ tử vong do bệnh tim so với chế độ ăn ít chất xơ. Chất xơ hòa tan trong su hào cũng giúp làm giảm mức cholesterol - một yếu tố liên quan đến các bệnh tim mạch.
Vitamin B6 trong su hào rất cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể như chuyển hóa protein, phát triển hồng cầu và chức năng miễn dịch. Thiếu vitamin B6 có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, ho,...
Ngoài ra vitamin C có trong su hào cũng hỗ trợ chức năng của bạch cầu, tăng cường hệ thống miễn dịch. Vitamin C trong 100g su hào có thể đáp ứng 84% lượng vitamin C phụ nữ cần nạp mỗi ngày và 70% với đàn ông.
Su hào thuộc họ cải, các hợp chất trong rau họ cải được chứng minh khả năng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, bao gồm các khối u ở vú, nội mạc tử cung, phổi, gan, đại tràng và cổ tử cung.
Ngoài những công dụng kể trên, su hào còn tốt cho sức khỏe não bộ, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và Parkinson, củng cố xương và tăng cường thị lực.
Su hào an toàn với hầu hết mọi người nhưng không nên ăn quá nhiều để tránh đầy hơi, khó chịu, đau dạ dày. Ngoài ra người bị bệnh tuyến giáp nên hạn chế hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn loại củ này vì các hợp chất thực vật trong su hào có thể làm sưng tuyến giúp.
Theo Healthline, DrAxe