Quy hoạch

Loạt cao tốc dự kiến khởi công trong 6 tháng tới

Hải Quân 16/06/2024 06:13

Từ nay đến cuối năm, ngành GTVT dự kiến khởi công hàng loạt cao tốc như: Làn cao tốc trên cao Vành đai 4 Hà Nội; Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình); Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương...

Theo Báo Chính phủ, ngày 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.

Theo thông tin tại cuộc họp, ngành GTVT dự kiến khởi công các dự án bao gồm dự án thành phần 3 - Vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình đầu tư theo phương thức PPP); cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đối với dự án thành phần 3 - vành đai 4 Hà Nội, dự án này tổng chiều dài 113,5 km (Hà Nội 57,5 km; Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 27 km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7 km).

Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (mặt cắt ngang có bề rộng 17 m, bề rộng cầu 17,5 m; các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống bề rộng cầu 24,5 m để bố trí bổ sung làn xe máy và xe thô sơ qua cầu kết nối giữa hai bên bờ sông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân). Tổng mức đầu tư của dự án là 56.293 tỷ đồng.

Hướng tuyến dự án vành đai 4 Hà Nội. (Ảnh: VnEconomy).

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình) đoạn qua Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km.

Trong đó, điểm đầu dự án tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao giữa QL 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Về quy mô xây dựng, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, gồm 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tổng vốn đầu tư của dự án là 19.784 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình. (Ảnh chụp từ báo cáo ĐTM dự án).

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng chiều dài 55 km; đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai chiều dài 11 km), chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này là 17.200 tỷ đồng.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là dự án nhóm A, được đầu tư theo phương thức PPP (giai đoạn 1 là BOT).

Về quy mô, tổng chiều dài cao tốc là 73,6 km, đi qua TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP, CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP là đại diện Liên danh Nhà đầu tư).

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 19.521 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn giai đoạn 2 khoảng 6.227 tỷ đồng.

Hướng tuyến hai dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 45,7 km với mức đầu tư hơn 17.408 tỷ đồng, được thực hiện thông qua hình thức đối tác công tư (PPP). Dự cao tốc này có nhu cầu sử dụng đất khoảng 322,5 ha.

Dự án đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75 m (đã bao gồm 2 làn dừng khẩn cấp suốt đoạn tuyến dự án), thiết kế vận tốc là 100 km/h. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 - 2027 và dự án được đầu tư theo hình thức PPP, với hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (ВОТ). Tổng mức đầu tư trên 17.408 tỷ đồng đã bao gồm cả lãi vay.

Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. (Ảnh chụp từ báo cáo ĐTM dự án).

Cùng với đó, phấn đấu khởi công chậm nhất ngày 2/9 đối với các dự án bao gồm Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu dài 34 km, qua hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La, trong đó giai đoạn đầu quy mô hai làn xe. Điểm đầu tuyến thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; điểm cuối ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Giai đoạn đầu, đường được thiết kế hai làn xe, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, xây dựng từ năm 2024 - 2028. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc 80 km/h, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Sơn La. (Ảnh chụp từ báo cáo ĐTM dự án).

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,43 km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Dự án này được chia thành hai dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 với chiều dài 16km . Còn dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,4 km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 7.496 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. (Ảnh: Tạp chí Xây dựng).

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT 08) đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài hơn 25 km.

Tuyếnđi qua địa phận bao gồm huyện Yên Mô dài 11,4 km, đi qua các xã Mai Sơn; Khánh Thượng; Khánh Dương; Khánh Thịnh; Yên Thịnh; Yên Phong; Yên Từ và huyện Yên Khánh dài 14 km, đi qua các xã Khánh Hồng; Khánh Nhạc; Khánh Hội; Khánh Mậu; Khánh Cường; Khánh Trung.

Điểm đầu tuyến tại nút giao Mai Sơn thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình giao với đường cao tốc Bắc - Nam; điểm cuối nằm tại đầu cầu vượt sông Đáy phía tỉnh Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.971 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT 08) đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình. (Ảnh chụp từ báo cáo ĐTM dự án).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình đầu tư theo phương thức PPP.

Cùng với đó, phối hợp với TP HCM và các cơ quan liên quan để sớm trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP HCM - Mộc Bài; tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ GTVT để sớm hoàn thành báo cáo thẩm định dự án Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, phê duyệt trong tháng 6.

Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc đoạn TP HCM - Long Thành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (hoàn thành, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 11 tới).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt cao tốc dự kiến khởi công trong 6 tháng tới