Chiến tranh ở Ukraine đã bộc lộ nhiều lỗ hổng nghiêm trọng của hệ thống vũ khí Mỹ. Dù vậy, Mỹ cũng đang thu được những hiểu biết cực kỳ có giá trị từ những thiếu sót đó.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra năm 2022, Mỹ trở thành đồng minh quan trọng nhất của Ukraine. Từ đó đến nay, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 107 tỉ USD cho chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine không phải nước hưởng lợi duy nhất trong việc này. Trang Business Insider dẫn nhận định của giới phân tích rằng từ việc gây nhiễu tên lửa cho tới máy bay không người lái (UAV) và pháo binh, Mỹ đang thu được những hiểu biết cực kỳ có giá trị về những điểm yếu của các hệ thống vũ khí tinh vi của họ trên chiến trường tàn khốc ở miền đông và miền nam Ukraine.
Tác chiến điện tử
Lĩnh vực đầu tiên mà Mỹ bộc lộ thiếu sót là trong tác chiến điện tử. Theo báo cáo trước đây của Business Insider, các hệ thống gây nhiễu của Nga đã gây ra vấn đề lớn cho vũ khí chính xác của phương Tây, trong đó có đạn pháo Excalibur và tên lửa GMLRS.
Binh lính Ukraine nhắm bắn UAV ZALA của Nga bay qua ở Mariinka (tỉnh Donetsk, Ukraine) ngày 23-2. Ảnh: Chris McGrath/Getty Images
Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga ngày càng trở nên thành thạo trong việc xáo trộn các hệ thống định vị GPS được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa và đạn pháo tới mục tiêu, khiến chúng chệch hướng và trở nên vô dụng.
“Chiến tranh ở Ukraine đã phơi bày việc một số loại đạn dược dẫn đường chính xác của Mỹ thất bại trong môi trường điện từ có tính cạnh tranh cao”- bà Stacie Pettyjohn, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nói với Business Insider.
Ngược lại, UAV giá rẻ, sẵn có lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trên chiến trường Ukraine. Quân đội Ukraine đã sử dụng UAV để khỏa lấp một số bất lợi về nhân lực và trang thiết bị khi đối đầu Nga. UAV đã được sử dụng để giám sát vị trí đối phương, hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh. Kiev cũng đã trang bị cho UAV lựu đạn hoặc chất nổ để tấn công các vị trí của Nga.
UAV của Ukraine cũng dễ bị tổn thương trước tác chiến điện tử. Tuy nhiên, Ukraine đã tìm ra công nghệ tránh tín hiệu nhiễu và khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tác chiến điện tử của Nga.
Việc điều động, che giấu và tiếp tế cho quân đội trên chiến trường dưới sự giám sát liên tục của UAV là một câu hỏi hóc búa khác mà các chuyên gia Lầu Năm Góc phải tìm ra câu trả lời, bà Pettyjohn nói.
Theo các báo cáo, Lầu Năm Góc đang gấp rút tìm cách cải thiện khả năng triển khai UAV để hỗ trợ binh lính và hạ gục UAV đối phương. Đây cũng là điều mà giới phân tích tin rằng sẽ là tất yếu trên chiến trường trong tương lai.
Hiện tại, bà Pettyjohn cho hay, mỗi đơn vị quân đội Mỹ chỉ có vài UAV đã cũ.
"Một trong những bài học quan trọng rút ra từ cuộc xung đột này là việc dân chủ hóa các vũ khí tấn công chính xác đang khiến chiến trường trở nên vô cùng nguy hiểm” – bà Pettyjohn nhận định.
Thiếu vũ khí
Kế đến, chiến tranh Ukraine đã bộc lộ những vấn đề không chỉ về chất lượng vũ khí mà còn khả năng sản xuất vũ khí với số lượng lớn của Mỹ.
Binh lính Nga điều khiển UAV Orlan-10. Ảnh: Russian Defense Ministry
Trong nhiều thập niên, Mỹ đã chuẩn bị cho các cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang chẳng hạn như Taliban tại Afghanistan. Tuy nhiên, với cuộc chiến tại Ukraine – được coi là gần giống Thế chiến thứ 2, trong đó hai bên tham chiến bắn hàng chục ngàn viên đạn vào nhau mỗi ngày nhằm làm suy yếu đối phương – thì Mỹ lại không thể cung cấp đủ số vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần.
Ngược lại, Nga đã đặt nền kinh tế của họ vào tình trạng chiến tranh, tăng cường sản xuất lượng lớn thiết bị quân sự trong khả năng và đưa Ukraine vào tình thế bất lợi nghiêm trọng.
“Vấn đề lớn nhất mà cuộc chiến ở Ukraine phơi bày là Lầu Năm Góc không có đủ đạn dược cho một cuộc xung đột kéo dài quy mô lớn” – bà Pettyjohn nhận xét.
Nhà phân tích Pettyjohn nói thêm dự luật viện trợ Ukraine gần đây, trong đó có hàng tỉ USD cho sản xuất vũ khí Mỹ, không giải quyết được vấn đề.
Chi phí cao
Một vấn đề khác Mỹ gặp phải là các hệ thống phòng không của nước này sử dụng tên lửa có giá thành cao hơn nhiều so với những UAV giá rẻ mà chúng tiêu diệt, chuyên gia Pettyjohn nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng gần một UAV cảm tử của Nga bị bắn hạ tại thủ đô Kiev của Ukraine ngày 27-10-2022. Ảnh: Ukrainian Presidential Office/Handout/Anadolu Agency via Getty Images
“Việc bắn các tên lửa đắt tiền nhằm vào những chiếc UAV và tên lửa rẻ tiền không phải là chiến lược bền vững, cũng không phải là chiến lược giúp Mỹ chiếm ưu thế trong những cuộc chiến đòi hỏi sự bền bỉ như vậy” – bà Pettyjohn nói.
Theo bà Pettyjohn, bài học cốt lõi ở đây là số lượng cũng quan trọng như chất lượng.
“Mỹ lẽ ra phải biết rằng khối lượng cũng quan trọng không kém độ chính xác. Quân đội Mỹ cần nhiều đạn pháo, tên lửa và UAV hơn mức hiện có và một cơ sở công nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống quan trọng này trong trường hợp cần thiết” – chuyên gia Pettyjohn nhấn mạnh.