Cần nhiều chính sách đồng bộ
Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 của HĐND thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; đến năm 2030 phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở. Thành phố phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động…
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu phát triển quỹ nhà chậm là do khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư và cơ chế chính sách.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội cho rằng, chỗ ở luôn là vấn đề lớn với người lao động nói chung và công nhân nói riêng. Bởi người Việt vốn có quan niệm, an cư thì mới lạc nghiệp, có chỗ ở ổn định thì mới tập trung vào công việc nên nhiều người vẫn cố để gia đình có một căn hộ dù nhỏ.
Theo bà An, đối tượng công nhân trên địa bàn thành phố tuy lớn, nhưng lượng nhà ở công nhân cung cấp cho họ thì còn rất ít. Hơn nữa, thu nhập của công nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, rất khó có thể mua chung cư thương mại hoặc nhà đất. Vì vậy, theo bà An, cần có quỹ để xây dựng nhà cho thuê cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, phân vai rõ ràng (nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì?) và tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê.
Theo đại diện Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội, thành phố cần có cơ chế chính sách cụ thể, tạo điều kiện về thuế, nguồn vốn, đất và một số ưu đãi khác nhằm thu hút được các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, quy hoạch khu công nghiệp phải được gắn với quy hoạch phát triển các dự án khu nhà ở cho công nhân. Thậm chí, quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân phải gắn với các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án khu đô thị mới để tạo sự đồng bộ hạ tầng. Bên cạnh đó, thành phố cần có ưu đãi về tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà cho công nhân nói riêng.