Những sinh viên này làm cầu nối hợp tác giữa đối tác Hà Lan và các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trường và các đối tác Hà Lan có 15 dự án chung với tổng ngân sách khoảng 395.030 euro được triển khai; 6 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận được ký kết.
Bên cạnh đó, Chương trình Mạng lưới VLIR Việt Nam được tài trợ bởi Hội đồng các trường đại học liên kết phía Bắc Vương quốc Bỉ, nhằm thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học vùng Flander (Bỉ) và trường đại học Việt Nam để phát triển, củng cố mối quan hệ giữa các viện, trường.
Đồng thời đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ, cấp bằng trình độ tiến sĩ dựa trên nghiên cứu về sinh học thực phẩm. Trường ĐH Gent (Bỉ) và Trường ĐH Cần Thơ là 2 đơn vị điều phối chính. Ngoài ra còn có sự phối hợp của 4 viện, trường thành viên ở Việt Nam. Sau 10 năm (2013 - 2023), chương trình đã đào tạo được 102 thạc sĩ.
Trường Thủy sản là một trong các đơn vị của Trường ĐH Cần Thơ thụ hưởng Chương trình VLIR; đã đào tạo đến khóa thứ 6, với 59 học viên tốt nghiệp, còn 6 học viên tốt nghiệp vào đầu năm 2024. Giảng viên giảng dạy chương trình này được tập huấn ở Bỉ về phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực tiếng Anh, tham gia các chương trình trao đổi…
Theo GS.TS Vũ Ngọc Út - Hiệu trưởng Trường Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ), Chương trình VLIR được thực hiện rất thành công vì các học viên tốt nghiệp về nước hoặc làm việc ở Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả vào thực tế địa phương. Ngoài ra, trường còn có chương trình đào tạo tiên tiến bậc đại học ngành Nuôi trồng thủy sản.
Chương trình được phát triển trên cơ sở áp dụng nội dung đào tạo của Trường ĐH Auburn, Alabama, Mỹ; dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Trường còn có một số chương trình, dự án hợp tác với các nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực thủy sản. Những hoạt động này thể hiện xu hướng phát triển, vị thế của trường trong hội nhập”, GS.TS Vũ Ngọc Út nhấn mạnh.
Từ năm 2015, Trường ĐH Cửu Long đã hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào và Campuchia. Tính đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và đào tạo cho hơn 500 lưu học sinh. Trường hiện có 28 ngành với 75 chuyên ngành đào tạo thuộc 4 lĩnh vực gồm: Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Tài chính, Khoa học sức khỏe, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Quy mô đào tạo gần 21.000 sinh viên; trong đó có khoảng 200 lưu học sinh nước ngoài (Lào, Campuchia và Hàn Quốc) theo học. PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Năm học 2023 - 2024, trường tiếp nhận 2.235 tân sinh viên trúng tuyển 27 ngành đào tạo; trong đó có 44 lưu học sinh đến từ Lào và Campuchia.
Đặc biệt, nhà trường quyết định cấp học bổng toàn phần (miễn 100% học phí) cho 44 tân sinh viên là lưu học sinh nước ngoài (34 Lào, 8 Campuchia). Trao quyết định cấp học bổng 50% toàn khóa cho 2 tân sinh viên là lưu học sinh Lào. Trong năm 2024, Trường ĐH Cửu Long tiếp tục nhận lưu học sinh các nước đến học, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka…