Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm sâu là tác động của dịch Covid-19 làm các bếp ăn công ty, trường học chưa hoạt động trở lại khiến sức mua giảm. Hơn nữa, chi phí cho việc vận chuyển, phân phối thịt đang qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao.
Còn trả lời cho câu hỏi giá thịt lợn ở chợ đã giảm mà giá ở siêu thị vẫn cao, ông Đoán cho rằng, đa phần siêu thị đều lấy thịt từ các chuỗi, đơn vị chăn nuôi lớn mà ở đây "không có can thiệp trực tiếp của ngành công thương về việc phân phối, lưu thông sao cho hợp lý" nên mới xảy ra tình trạng trên.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh phú chỉ ra, nếu trừ đi 10% VAT, giá thịt lợn ở một số siêu thị ở Hà Nội đang cao hơn 30% so với giá ở chợ. Với mức giá này, các siêu thị đang "móc đậm" tiền của người tiêu dùng.
"Thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đội lên. Hơn nữa, với mức chiết khấu cao ở siêu thị cũng là nguyên tác động đến giá thịt lợn", vị chuyên gia này phân tích.
Theo ông Phú, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sức cầu trong dân yếu nên lượng thịt lợn tiêu thụ giảm. Trong khi, lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng đang khiến thịt lợn trong nước chật vật.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải "chữa bệnh" ngay lập tức bằng cách cấp đông thịt lợn để phục vụ cho Tết Nguyên đán nếu giá lợn hơi vẫn giảm.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm soát giá, bởi theo Luật Giá, nếu những trường hợp tăng giá bán đột biến thì phải kê khai giá mua vào và bán ra.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có chính sách trợ giá thức ăn chăn nuôi cho bà con, không để tình trạng thức ăn tăng chóng mặt. Còn với ngân hàng cần có chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân vay vốn chăn nuôi đang gặp khó khăn trong bối cảnh hiện nay.