Nhiều người cho rằng lòng đỏ trứng gà có màu sắc đậm thường bổ dưỡng hơn.
Vỏ trứng có nhiều màu sắc, lòng đỏ trứng cũng có sự khác biệt như vậy, chuyển từ vàng nhạt đến cam đậm.
Thức ăn của gà mái đẻ sẽ tác động tới thành phần của quả trứng, bao gồm lòng đỏ. Trong cuốn sách Về Thực phẩm và Nấu ăn, tác giả Harold McGee cho biết mỗi năm, một con gà mái "chuyển đổi khoảng 8 lần trọng lượng cơ thể của nó thành trứng".
Lòng đỏ có nhiều sắc màu khác nhau. Ảnh: Shutterstock
Lý do lòng đỏ có các màu sắc khác nhau
Theo Taste of Home, màu sắc của lòng đỏ trứng không liên quan gì đến giống gà mà được quyết định bởi chế độ ăn của gà. Những con gà mái ăn thực phẩm có nhiều sắc tố màu vàng cam sẽ đẻ trứng có lòng đỏ sẫm hơn.
Lý do gà nuôi thả hay đẻ trứng có lòng đỏ đậm bởi chúng thường kiếm các thực vật có hàm lượng sắc tố nhất định cao hơn (được gọi là xanthophylls). Với gà nuôi nhốt, thức ăn từ ngô cũng đem lại tác dụng tương tự. Một số nông dân thậm chí còn cho gà ăn cánh hoa cúc vạn thọ, ớt chuông để lòng đỏ có màu đậm.
Lòng đỏ sẫm màu có bổ dưỡng hơn không?
Theo Southern Living, lòng đỏ chỉ chiếm 1/3 trọng lượng quả trứng nhưng chứa 75% lượng calo. Phần này của trứng chứa protein, chất béo và hầu hết sắt, vitamin A.
Lòng đỏ màu vàng nhạt và cam đậm có cùng lượng protein và chất béo. Hiện vẫn còn tranh cãi liệu lòng đỏ sẫm có thể chứa nhiều vitamin hơn và ít cholesterol hơn.
Tuy nhiên, nhiều người nội trợ cho rằng sau khi chế biến, lòng đỏ sẫm màu thường có hương vị thơm ngon hơn.
Lòng đỏ chứa nhiều khoáng chất và vitamin. Ảnh: Foodunfolded
Giá trị bổ dưỡng của lòng đỏ
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lòng đỏ của một quả trứng lớn cung cấp 55 calo, 2,7g protein, 4,5g chất béo, 184mg cholesterol, 0,6g carbohydrate, 0,1g đường. Lòng đỏ chứa ít nhất 7 khoáng chất thiết yếu bao gồm canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, natri, kẽm và nhiều loại vitamin.
Theo Medical News Today, ăn cả lòng trắng và lòng đỏ sẽ đảm bảo cân bằng hợp lý về protein, chất béo và calo. Tuy nhiên, một đánh giá năm 2019 cho thấy hầu hết các chất dinh dưỡng trong trứng đều nằm ở lòng đỏ. Dưới đây là một số tác dụng của lòng đỏ:
Giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa: Các protein trong lòng đỏ trứng, như phosvitin, có thể làm giảm số lượng hợp chất gây viêm trong cơ thể.
Tăng cường hệ miễn dịch: Một số hợp chất gọi là glycopeptide sunfat trong lòng đỏ có thể kích thích sản xuất các tế bào trong hệ miễn dịch chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.
Hạ huyết áp: Lòng đỏ chứa một số hợp chất gọi là peptide làm giảm đáng kể huyết áp ở chuột. Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Giảm nguy cơ mắc các vấn đề về thị lực: Lòng đỏ là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin chống lại bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, hai vấn đề về mắt phổ biến ở nhóm trên 55 tuổi.