Đây là một hình thức quan trọng để thực hiện nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường.
Cô Trịnh Thị Hiên, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết: Bên cạnh lồng ghép trong một số môn học (Giáo dục công dân, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật...), hoạt động hướng nghiệp được tiến hành dưới các hình thức đa dạng như: Sinh hoạt dưới cờ, tập thể, các chuyên đề ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp, hội thảo, tham quan thực tế…
Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, cô Hiên cho biết luôn chú trọng lồng ghép nội dung hướng nghiệp giúp học sinh nhận thức đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc lựa chọn nghề nghiệp. Từ đó, chủ động tìm hiểu về thị trường lao động, xác định được hướng đi nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng khiếu, khả năng, sở thích và điều kiện học sinh.
Chẳng hạn, khi dạy chương trình Giáo dục công dân lớp 11 phần “Công dân với kinh tế”, giáo viên yêu cầu học sinh xây dựng ý tưởng cho một hoạt động kinh doanh nhỏ; lựa chọn mô hình hoạt động kinh tế thích hợp trong tương lai đối với bản thân; xác định được hướng phát triển phù hợp sau THPT...
“Như vậy, tùy nội dung, thời lượng, mục tiêu của từng bài học, thầy cô có thể chủ động lồng ghép nội dung hướng nghiệp linh hoạt, với những dẫn chứng thực tế, sinh động, tác động hiệu quả đến quá trình nhận thức, lựa chọn nghề của học sinh”, cô Trịnh Thị Hiên chia sẻ.
Với chủ đề “Các quy luật kinh tế cơ bản trong sản xuất và lưu thông hàng hóa”, giáo viên có thể giải thích các ngành nghề, thị trường lao động, việc làm trong nền kinh tế, giúp học sinh hiểu rõ mối quan hệ cung - cầu trong việc tạo ra các ngành nghề và cơ hội việc làm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi trong thị trường lao động. Từ đó góp phần xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau khi ra trường.
Ở góc độ giảng dạy môn Vật lí, cô Lê Thị Mai Lương, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ kinh nghiệm: Ứng với mỗi lượng kiến thức của môn học, cuối tiết học giáo viên sẽ nêu vấn đề, hướng dẫn và định hướng một số nghề nghiệp tương ứng. Ví dụ, bài dạy về các định luật bảo toàn, giáo viên có thể liên hệ đến nhóm ngành sản xuất thiết bị máy móc (cân lò xo, lực kế, chế tạo tên lửa, máy bay động cơ phản lực); bài cân bằng vật rắn có thể liên hệ đến ngành xây dựng; bài dạy về sự chuyển thể liên hệ ngành khí tượng thủy văn… Tuy nhiên, thời gian định hướng nghề nghiệp còn hạn chế trong tiết học.
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), ở THPT, giáo dục hướng nghiệp thường được lồng ghép nhiều trong các môn: Công nghệ; Tin học; Giáo dục công dân (Giáo dục kinh tế và pháp luật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Môn Âm nhạc, Mỹ thuật cũng phù hợp để lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
“Hạn chế lớn nhất của các trường học miền núi là chất lượng giáo viên. Việc giảng dạy lồng ghép đòi hỏi giáo viên phải thực sự có nền kiến thức tốt thì việc truyền đạt đến học sinh mới hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu phối hợp tổ chức giáo dục hướng nghiệp thông qua các hình thức khác như nhà trường đang triển khai (ngày hội việc làm, tuyên truyền theo chủ đề công việc...) sẽ thu hút học sinh hơn”, thầy Nguyễn Minh Đạo cho hay.
Cô trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: NTCC |
Chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo triển khai lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các môn học, hoạt động giáo dục tại Trường THPT Quan Sơn, thầy Nguyễn Minh Đạo cho biết: Nhà trường giao nhiệm vụ để giáo viên được phân công giảng dạy giáo dục hướng nghiệp đầu tư chuyên môn một cách nghiêm túc. Thầy cô lên lớp đúng giáo án, chương trình, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến công tác hướng nghiệp để bổ trợ kiến thức cho học sinh, góp phần giúp các em xác định đúng đắn hướng đi trong tương lai.
Nhà trường đồng thời định hướng để có chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo làm công tác giảng dạy hướng nghiệp. Thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng để giáo viên hướng nghiệp có thể phát huy ưu điểm bản thân, những điểm thu hút của bộ môn.
Giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp phải tâm huyết với nghề nghiệp. Để từ đó, mỗi giờ lên lớp là một giờ dạy đầy hứng thú, say mê, học sinh háo hức lắng nghe thông tin, kiến thức bổ ích do thầy cô truyền đạt. Ngược lại, thầy cô sẽ phát hiện được ở học sinh khả năng, hứng thú nghề nghiệp để định hướng cho các em.
Trong quá trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, thầy Nguyễn Minh Đạo cho rằng, cần có nhiều phương pháp giúp các em nhận biết năng lực, nhu cầu thực sự bản thân. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp từ đội ngũ chuyên gia. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn mắc phải, tìm ra hướng đi, biện pháp phù hợp nhất. Đồng thời, thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường để sẵn sàng giúp học sinh giải đáp khó khăn, thắc mắc trong mọi trường hợp.
Tại Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), giáo dục hướng nghiệp cũng được chú trọng. Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn cho biết, hiện nay, do thực hiện song song hai chương trình (Chương trình GDPT 2018 với lớp 10; Chương trình GDPT 2006 với lớp 11, 12), nên tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các khối sắp xếp khác nhau.
Cụ thể, với khối 10, nội dung hướng nghiệp tập trung chủ yếu trong Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với thời lượng 105 tiết. Khối 11, 12, nhà trường thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp gồm 7 thành viên để thực hiện các nội dung tư vấn hướng nghiệp, đặc biệt lưu ý với học sinh lớp 12; cùng đó là nội dung hướng nghiệp được tích hợp trong các môn Địa lí, Giáo dục công dân…
Quá trình thực hiện lồng ghép tư vấn hướng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ còn nhiều khó khăn; trong đó có nguyên nhân xuất phát từ kinh nghiệm, hiểu biết của đội ngũ giáo viên về ngành nghề hạn chế. Từ đó, giải pháp được thầy Hùng đề xuất: “Bộ GD&ĐT cần có bộ tài liệu giới thiệu cơ bản về các ngành nghề cho học sinh (có thể viết kỹ hơn như cuốn những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng). Thầy cô cũng cần được tập huấn về kỹ năng giảng dạy, tư vấn hoạt động hướng nghiệp cho học sinh để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn”.