Lớp học đặc biệt ở huyện biên giới Điện Biên

Bài và ảnh: Trung Kiên (TTXVN) 07/10/2024 17:15

Nhằm nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc ở vùng cao, biên giới khó khăn, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã mở nhiều lớp học xóa mù chữ ngay tại các thôn, bản.

Chú thích ảnh
Sau giờ cơm tối, các học viên lớp xóa mù chữ lại rủ nhau đến điểm trường Cà Là Pá của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn để học.

Hoạt động này đã góp phần tăng tỷ lệ người biết chữ, giảm số người mù chữ, tái mù chữ trong cộng đồng để phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ ở mức độ 2 của toàn huyện đạt 91% trở lên.

Sau một ngày làm việc vất vả, nhưng đúng 19 giờ, nhiều người dân sống tại bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) lại tập trung về điểm trường Cà Là Pá của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn để cùng nhau tham gia lớp học đặc biệt - lớp xóa mù chữ. Đây là lớp học xóa mù chữ giai đoạn 2 năm 2024 (được khai giảng vào chiều 16/9) với 17 học viên trong độ tuổi từ 22 đến 55, đang sinh sống tại bản Cà Là Pá.

Chú thích ảnh
Tuy các học viên đều lớn tuổi nhưng luôn đi học đúng giờ và hầu như không vắng mặt buổi nào.

Đã gần 50 tuổi, nhưng bà Vàng Thị Của vẫn mong muốn được tham gia lớp học. Điều đáng nói, dù không nằm trong danh sách học viên chính thức của lớp nhưng khi thấy chồng tham gia lớp học xóa mù chữ, bà đã hăng hái xin được học nhờ cùng lớp với chồng mình. Lần đầu tiên trong đời được cầm bút, viết được họ tên của mình lên giấy, bà phấn khởi chia sẻ: “Ngày xưa không đi học nên không biết chữ, đến cái tên của mình, mình cũng không biết viết. Cứ mỗi lần cần ký thủ tục giấy tờ gì, tôi lại phải nhờ người giúp đỡ, thấy phiền hà lắm. Bởi vậy, ngay khi biết lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại bản, tôi xin các thầy cô cho học nhờ luôn. Tôi sẽ cố gắng tập viết, tập đọc để sau không phải nhờ người khác giúp nữa”.

Còn chị Vừ Thị Bầu chia sẻ, khi biết chuẩn bị có lớp xóa mù chữ mở tại điểm trưởng của bản, chị đã trao đổi với chồng về việc theo học và được chồng rất ủng hộ, động viên chị cố gắng theo học. “Khi tham gia lớp, tôi cảm thấy thầy cô giáo dạy rất nhiệt tình. Tôi rất thích học. Ban ngày đi làm, tối về nấu cơm cho các con ăn xong, tôi cùng các chị em trong bản lại rủ nhau đến lớp", chị Vừ Thị Bầu vui vẻ nói.

Chú thích ảnh
Thiếu tá Lò Thanh Chuyển, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, đến lớp học xóa mù chữ tại bản Cà Nà Pá để hỗ trợ giáo viên và các học viên tại đây.

Biết cầm bút, biết viết tên mình và những thành viên trong gia đình… cũng là động lực, mong muốn đầu tiên của hầu hết những thành viên trong lớp học xóa mù chữ ở bản Cà Là Pá khi đến đây. Có lẽ vì vậy nên từ ngày mở lớp, không có buổi học nào vắng học viên, thậm chí còn có nhiều người trong bản đến xin học nhờ. Những đôi bàn tay đã chai sạn bởi chỉ quen cầm cuốc, cầm liềm, lần đầu cầm bút còn vụng về, giờ đã có thể ghi chép những câu văn, bài thơ, biết làm những phép tính cơ bản. Nhiều người dù đã ở tuổi cao, nhưng đã tạm gác những bộn bề lo toan của cuộc sống hằng ngày để đến lớp, thỏa mong muốn được đọc, được viết.

Khi được hỏi, ở tuổi này rồi nhưng mới bắt đầu đi học bà có ngại không, bà Sùng Thị Ly (sinh năm 1969), ở bản Cà Là Pá, là học viên lớn tuổi nhất lớp cho biết, dù nhiều tuổi nhưng khi biết có lớp xóa mù chữ, bà đã đăng ký tham gia luôn. “Không biết đọc, biết viết thì mới ngại, mới xấu hổ, mình đi học để biết cái chữ thì phải vui, phải cố gắng chứ…”, bà Sùng Thị Ly phấn khởi chia sẻ.

Chú thích ảnh
Thầy Vũ Xuân Thi, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Leng Su Sìn, hướng dẫn học viên tập viết chữ.

Thầy giáo Vũ Xuân Thi, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn là người được phân công trực tiếp giảng dạy lớp học xóa mù chữ ở bản Cà Là Pá cho biết, sau khi có kế hoạch mở lớp, các thầy cô giáo tại điểm bản cùng trưởng bản đi vận động, tuyên truyền đến người dân. Được vận động, bà con tham gia rất tích cực, cố gắng sắp xếp thời gian, công việc gia đình để buổi tối đến lớp học từ thứ Hai đến thứ Sáu rất đầy đủ. Sau một thời gian học, bà con đã biết viết chữ, biết đọc nên ai cũng vui và hào hứng vì biết được lợi ích của việc biết đọc, biết viết…

Việc dạy học đối với các học viên lớp xóa mù chữ không giống với dạy học cho học sinh khi ở trường. Hầu hết học viên ở lớp học đặc biệt này đều lớn tuổi, là người dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ quen với đồng áng và nói tiếng dân tộc nên việc tiếp thu với con chữ khá chậm. Bởi vậy, giáo viên phải thật tỉ mỉ, kiên trì trong việc giảng dạy để học viên nắm được mặt chữ, đánh vần, ghép chữ. Điều thuận lợi là các học viên đều rất nghiêm túc, hăng say trong việc học, thậm chí lớp học trên danh sách chỉ có 17 học viên, nhưng nhiều buổi có đến 25 học viên tham gia (do nhiều người không đăng ký nhưng tranh thủ những lúc rảnh rỗi để đến lớp).

Chú thích ảnh
Dù đã đến tuổi phải đeo kính lão, nhưng chị Vì Thị Mo vẫn hàng ngày chăm chỉ đến lớp học xóa mù chữ ở bản Cà Nà Pá.

Cô Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn cho biết: Leng Su Sìn là xã biên giới nghèo của huyện Mường Nhé. Đời sống của người dân còn rất khó khăn, bởi vậy nhiều người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, vẫn chưa có điều kiện đi học nên tình trạng mù chữ còn khá cao. Khi có chủ trương của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc mở lớp xóa mù chữ, nhà trường đã tích cực tuyên truyền đến người dân. Nhà trường đã lựa chọn, phân công thầy cô giáo có kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết để tham gia đứng lớp với mong muốn lớp học đạt hiệu quả cao nhất, từ đó lan tỏa phong trào học xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã.

Thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Nhé sẽ mở 13 lớp xóa mù chữ với khoảng 250 học viên. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ tại các địa phương, phân công trách nhiệm cho các thành viên theo từng địa bàn cụ thể; tiến hành theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ các địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản còn nhiều người mù chữ để triển khai công tác điều tra, rà soát người mù chữ, tái mù chữ. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức các lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra học.

Chú thích ảnh
Anh Vừ Nhìa Chông (trái) là lớp trưởng và anh Hờ Só Tàng là 2 học viên nam trong lớp xóa mù chữ bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé Phạm Thiết Chùy, nhữngnăm qua đơn vị luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Năm 2024, toàn huyện đã khai giảng 3 lớp xóa mù chữ ở các xã Pá Mỳ, Mường Toong và Leng Su Sìn với 60 học viên tham gia. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ ở mức độ 2 đạt 91% trở lên, định hướng đến năm 2030 đạt hơn 93%. Mục tiêu trước mắt là dạy cho người dân biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản, để áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là các xã biên giới trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Học viên Sùng Thị Bấu được đánh giá là người chăm chỉ và tiến bộ nhất ở lớp học xóa mù chữ tại bản Cà Là Pá.
Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/lop-hoc-dac-biet-o-huyen-bien-gioi-dien-bien-20241007161110126.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/lop-hoc-dac-biet-o-huyen-bien-gioi-dien-bien-20241007161110126.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học đặc biệt ở huyện biên giới Điện Biên