Bà Tư cầm tay dạy trẻ viết chữ. Ảnh: Bùi Vân |
Nhiều người thắc mắc, gợi ý thu thêm để trang trải tiền điện, nước nhưng vợ chồng ông không chịu. Ông Tư bảo: “Thu tiền học phí như vậy chủ yếu để phụ huynh có trách nhiệm với việc học của con mình. Chứ bây giờ mấy đứa nhỏ đã nghèo, giờ có tăng học phí thì tụi nó cũng có tiền đâu mà đóng”.
Chuyện mở lớp với ông bà giáo chỉ để giúp trẻ em nghèo biết đọc, biết viết chứ chẳng lấy đó làm kế sinh nhai. Dù năm 1997, ông Tư mất nguồn thu nhập chính vì công ty bị giải thể nhưng việc học của mấy đứa nhỏ vẫn không bị gián đoạn. Hàng ngày, ông vẫn nuôi thêm heo, gà, vịt rồi trồng bắp, khoai lang… để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Mấy ngày lễ như Giáng sinh hay Trung thu, hai vợ chồng lại bắt 1 - 2 con vịt về nấu cháo rồi cả lớp xúm xít ăn. Tới mùa thu hoạch bắp hay khoai lang cũng để dành một ít đặng luộc lên rồi chia cho tụi nhỏ. Ăn uống đơn sơ vậy thôi mà mấy đứa thích lắm”, ông Tư kể.
Hầu hết những đứa trẻ ở lớp học tình thương này đều bươn chải ngoài đời từ sớm để mưu sinh đỡ đần cha mẹ. Cũng vì thế, các em có phần bướng bỉnh và nghịch ngợm hơn so với mấy đứa trẻ khác. Thế nhưng, chúng lại rất nghe lời và “sợ” ông bà Tư. Sợ không phải vì đòn roi mà vì thương ông bà vất vả.
Để một đứa trẻ nên người khó hơn dạy chúng biết chữ. Cũng vì vậy, bọn trẻ đến lớp không chỉ được dạy chữ, mà còn học cách làm người. Cậu học trò tên Trần Văn Bé là niềm tự hào mà bất kể đi đâu, gặp ai, ông bà Tư đều nhắc đến như một tấm gương sáng không tham của rơi.
“Thằng Bé hồi đó mới chỉ học lớp 2. Nó nhặt được chiếc ví có 1 chỉ vàng, 96 nghìn đồng với giấy tờ tùy thân ở bụi cây cạnh lớp học rồi đưa lại cho ông Tư. Thấy vậy, ông Tư mới chạy ra hỏi mấy người công nhân đang tu sửa đoạn đường đất đá đỏ, rồi chiếc ví cũng trở về với chủ của nó”, bà Tư kể lại.
Bắt đầu con đường học vấn từ lớp học tình thương của ông bà Tư, sau đó không ít học trò vượt khó khăn, vất vả mà bước vào giảng đường của các trường đại học lớn như: Khoa học Tự nhiên, Nông Lâm, Sư phạm… Còn nhớ ngày đầu đến lớp, anh Nguyễn Trường Duy, chuyên viên công tác Đoàn Thanh niên thành phố Thủ Đức lúc đó chỉ mới 5 tuổi.
Cậu bé ngày ấy khóc òa vì bỡ ngỡ nhưng rồi nhận được sự yêu thương, vỗ về của ông bà giáo già, cũng nhờ đó mà nhanh chóng làm quen với trường lớp. Nhắc về người thầy đầu tiên ấy, anh Duy không khỏi bồi hồi với những ký ức thuở bé ùa về: “Điều tôi nhớ nhất là ông Tư viết chữ rất đẹp. Dù gắn bó với lớp học chỉ vỏn vẹn 1 năm nhưng sự tận tình của ông bà Tư là thứ luôn thôi thúc tôi tìm về thăm lớp học này”.
Tính đến nay, số lượng học sinh của lớp học tình thương ấp Tân Lập cũng hơn cả nghìn em. Thế nhưng, vợ chồng ông Tư vẫn có thể nhận ra đứa học trò nhỏ ngày nào dù đã qua nhiều năm xa cách.
Nét chữ của ông Tư là điều mà bao thế hệ học trò đều ghi nhớ. Ảnh: Bùi Vân |
Ông Tư có 5 cuốn sổ tay. Lâu lâu người ta lại thấy ông lật mở từng trang giấy, đọc lại những dòng lưu bút của học trò và những vị khách đã đến thăm lớp học tình thương ấp Tân Lập. Ông không khỏi hoài niệm về lớp học “thời vàng son”.
Mùa dịch Covid-19 đi qua, cộng với việc giải tỏa khu chợ đêm ở Khu đô thị Đại học Quốc gia khiến nhiều gia đình nhập cư phải chuyển sang nơi khác sinh sống. Cũng từ đó, số lượng học sinh vơi dần, giờ đây chỉ còn trên dưới khoảng 20 em.
Dù nhiệt huyết với “nghiệp gieo chữ” vẫn tràn đầy nhưng sức khỏe của vợ chồng ông giáo chẳng còn được như trước. Vì căn bệnh hen suyễn mãn tính và huyết áp cao, có lần bác sĩ kêu ông phải nhập viện theo dõi vài ngày. “Tôi còn lớp học ở nhà không bỏ được”, ông nói thế rồi rời khỏi bệnh viện. Các bạn sinh viên tình nguyện ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đỡ đần ông chuyện dạy học.
Thế nhưng, ông giáo vẫn không yên tâm bỏ lớp buổi nào. Ông giải thích: “Mấy cháu sinh viên thấy tụi nhỏ ở đây hoàn cảnh khó khăn nên cũng thương như em út trong nhà. Thương quá, chiều quá đâm ra mấy đứa nhỏ không sợ sinh viên. Giờ mà hai vợ chồng đi vắng là sinh viên khỏi dạy”.
Tiếng cười nói, mách nhau của những đứa trẻ đã trở nên thân thuộc và gắn bó như một phần cơ thể của ông bà Tư. Cũng vì vậy, những ngày hè vắng bóng học trò, ông bà giáo lại thui thủi trong căn nhà nhỏ ở quê, mong ngóng ngày khai giảng. “Không đi dạy mấy tháng hè thôi đã thấy nhớ, thấy trống vắng, lỡ sau này lớp học không còn nữa thì còn buồn đến cỡ nào”, ông Tư ngậm ngùi.
Vì nằm trong khu vực vành đai của Đại học Quốc gia nên sắp tới đây, lớp học tình thương ấp Tân Lập phải đứng trước nguy cơ bị giải tỏa. Ông Tư chỉ mong sẽ có nơi mới để tiếp tục mở lớp học tình thương, dạy chữ cho những trẻ em nghèo.
Với những nỗ lực nuôi dạy học trò nghèo, vợ chồng ông Tư đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ các ngành, địa phương. Trong đó, năm 2004, ông Huỳnh Văn Phê được Bộ GD&ĐT tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Năm 2013, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) trao tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2013 dành cho các tổ chức, cá nhân vì đã có nhiều cống hiến và đóng góp xuất sắc trong phong trào tình nguyện vì cộng đồng.