Cùng bạn gieo đam mê cho học sinh nghèo
Phan Thị Phương biết đến lớp học nhà văn hóa thôn Đoài từ năm nhất đại học thông qua Thúy. Phương kể lại: “Hồi đầu mới vào ký túc xá thấy Thúy ngày học trên giảng đường, đêm về miệt mài đến 1 giờ sáng, hỏi ra mới biết bạn đang nghiên cứu tài liệu để dạy học”.
Khi thân thiết hơn, Phương biết để đến với giảng đường đại học, Thúy được các anh chị ở lớp học nhà văn hóa thôn Đoài kèm cặp, hướng dẫn rất nhiều. Do vậy, cuối tuần Thúy muốn quay về để hỗ trợ các chị đứng lớp.
Thế rồi, trong một lần về quê Thúy chơi, thấy được sự hăng say của Thúy khi giảng bài, Phương nảy ra ý tưởng hỗ trợ học sinh nơi đây. Mới đứng lớp, Phương dạy cho các em học sinh lớp 9. Phương kể: “Vì không có nghiệp vụ sư phạm nên em phải nghiên cứu, lập kế hoạch giảng dạy từng giai đoạn, lâu dần cũng bắt nhịp được”.
Là một trong những người đầu tiên tham gia vận động học sinh đến nhà văn hóa học, bác sĩ Phạm Quang Khải, Bệnh viện E (TP Hà Nội) cho biết: “Mùa hè năm thứ 4, sau khi nghe thầy giáo Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ về mong muốn mở một lớp học miễn phí ở thôn Đoài (quê thầy) nhằm khuyến khích phong trào học trong dân làng nhưng thiếu người dạy. Thấy việc làm ý nghĩa, tôi đã cùng thầy tham gia mở lớp dạy”.
Giai đoạn đầu, để học sinh đến lớp, bác sĩ Khải cùng bác cao tuổi trong thôn và cô giáo dạy Ngữ văn đi vận động từng nhà cho con đi học. Buổi đầu tiên có 6 học sinh đến học, vài tháng sau, khi tiếng lành đồn xa, số học sinh ngày càng nhiều.
Bác sĩ Khải nói: “Khi mới thành lập, chúng tôi chỉ dạy cho học sinh lớp 12 ôn thi đại học. Nhưng sau thời gian dạy hiệu quả học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 xin vào học, chúng tôi cũng đồng ý và sắp xếp lịch dạy. Hiện, các sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đang duy trì lớp học với quy mô gần 30 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12”.