Lựa chọn môi trường học tập sau THCS: Thay đổi quan điểm

Hiếu Nguyễn | 17/06/2022, 10:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh học lực tốt chọn trường THPT ngoài công lập là xu hướng xuất hiện khá rõ trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.

Học sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM. Ảnh minh họaHọc sinh thi vào lớp 10 tại TPHCM. Ảnh minh họa

Dường như đã có sự thay đổi không nhỏ trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về tiêu chí môi trường học tập ở phổ thông nói chung, ở THPT nói riêng.

Gia tăng học sinh chọn THPT ngoài công lập

Con gái chị Cẩm Linh (Ba Đình, Hà Nội) 4 năm liền đạt học lực giỏi tại một trường THCS công lập có tiếng trong quận. Với đam mê khoa học, con đã vượt qua nhiều vòng tuyển chọn và giành Huy chương Bạc (bảng B) Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế - IMSO 2019. Với thành tích này, năm nay con gái chị Linh được tuyển thẳng vào Trường THPT Chu Văn An. Thế nhưng, sau nhiều trăn trở, cân nhắc, cả con và gia đình đã quyết định bỏ cơ hội trên để vào học trường tư. Không những thế, chị cũng đồng thời rút hồ sơ của con trai - đang học tại một trường THCS công lập có tiếng - để chuyển về trường này.

Chị Linh chia sẻ, trước đây bản thân chưa bao giờ có ý niệm về việc cho con học trường tư mà định hướng vẫn là trường công chuyên như Chu Văn An hay Hà Nội - Amsterdam, vì con có đam mê khoa học. Nhưng từ đầu năm 2022, khi tham gia các buổi chia sẻ của một trường tư quốc tế, các hội nhóm…, chị Linh bắt đầu nhận thấy rất nhiều điểm vượt trội của các trường này như: Dạy học chương trình A-Cambridge theo chứng chỉ quốc tế, chú trọng rèn tư duy phản biện và chương trình kinh doanh quốc tế giúp học sinh định hướng nghề nghiệp ngay khi đang ngồi trên ghế THPT.

Tư vấn cho học sinh THCS trước mùa tuyển sinh.

“Để đưa ra quyết định này, cả hai vợ chồng phải bàn tính rất nhiều về lộ trình cho con, cân nhắc các phương án. Gia đình chưa tự tin để con đi du học nước ngoài nên tôi quyết định cho con theo chương trình này, cũng là một cách du học tại Việt Nam. Tài chính cũng là một trăn trở với gia đình, nhưng vợ chồng quyết tâm ưu tiên đầu tư cho việc học của con” - chị Cẩm Linh chia sẻ.

“Chưa năm nào thấy xu hướng học sinh chọn trường THPT ngoài công lập nhiều như năm nay” là chia sẻ của cô Đinh Thị Thu Mây, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Là trường công lập chất lượng cao, THCS Nam Từ Liêm thực hiện tuyển sinh đầu vào qua xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá, nên chất lượng học sinh cơ bản tốt và thường có kết quả thi vào lớp 10 hằng năm khá cao. Thế nhưng, lớp 9 do cô Mây chủ nhiệm năm nay có 10/30 học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào THPT ngoài công lập.

Học sinh lớp 9 tại Hà Nội trong giờ ôn tập.

Cởi mở hơn quan niệm trường công - tư

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo cô Mây, xuất phát từ thay đổi quan điểm của phụ huynh trong việc lựa chọn môi trường học tập cho con. Quan niệm xã hội về trường công - tư hiện nay đã cởi mở hơn; công lập không hẳn đã là môi trường học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không quá coi trọng, hoặc tạo áp lực cho con về việc phải học được nhiều kiến thức môn học, mà chú ý hơn đến kỹ năng sống được đào tạo, rèn luyện khi đến trường.

“Nhiều trường ngoài công lập hiện nay được phụ huynh học sinh đánh giá cao cả về chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông và đào tạo kỹ năng, giáo dục toàn diện. Những gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi trả mức học phí cao để con theo học ở trường đáp ứng được các tiêu chí giáo dục mà mình lựa chọn. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục liên kết quốc tế ở một số trường ngoài công lập giúp học sinh có điều kiện thuận lợi hơn trong tìm kiếm cơ hội du học” - cô Đinh Thị Thu Mây lý giải thêm.

Qua theo dõi một số khóa lớp 9, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), cũng cho biết, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con vào các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn sau khi tốt nghiệp THCS, đặc biệt các trường THPT ngoài công lập chất lượng cao. Lý do được thầy Sơn lý giải là trường này thường có cơ sở vật chất tốt, duy trì sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn.

Nhiều trường THPT tư thục đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại, áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến của thế giới. Mỗi trường đều có chiến lược phát triển toàn diện kỹ năng và đặc biệt là tiếng Anh; đồng thời có đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, năng động, do đó dễ dàng nắm bắt những thay đổi của thế giới và truyền tải nhanh chóng đến học sinh.

Một nguyên nhân quan trọng khác là, nhiều trường THPT ngoài công lập duy trì nối tiếp mô hình bán trú hoặc nội trú - đây là điều nhiều trường THPT công lập chưa triển khai được do còn thiếu cơ sở vật chất. Việc phụ huynh lựa chọn trường tư thục cũng ưu tiên tiêu chí này. Ngoài ra, trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp, học sinh bị áp lực tâm lý nhiều do thời gian học online kéo dài. Việc tăng cường kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa đa dạng, phong phú thiết thực của các trường ngoài công lập đã thu hút được học sinh giỏi các trường THCS sau khi tốt nghiệp.

“Tuy nhiên, khi lựa chọn các trường THPT tư thục, phụ huynh nên cân nhắc về mức học phí để có lựa chọn phù hợp nhất” - thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.

“Học sinh của trường chủ yếu đăng ký thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Một số em chỉ đỗ nguyện vọng 2 đã lựa chọn học ngoài công lập”. Thông tin điều này, cô Đinh Thị Thu Mây cho biết, xuất hiện xu hướng học sinh học lực tốt nhưng thiếu may mắn trong thi cử, không đỗ công lập trường tốp sẽ chọn học tại trường ngoài công lập chất lượng, chứ không học trường công tốp dưới.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lựa chọn môi trường học tập sau THCS: Thay đổi quan điểm