Vì thế khi tham gia tổ nghiên cứu, góp ý kiến lựa chọn SGK lớp 7, cô Minh mong muốn nội dung kiến thức có sự nối tiếp, khoa học, hiện đại, thiết thực. Bên cạnh đó, định hướng triển khai bài dạy chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng nhận thức, thúc đẩy học sinh học tập tích cực. Rèn luyện các kỹ năng, kích thích tư duy độc lập, sáng tạo, vận dụng kiến thức mới vào thực tiễn cuộc sống của người học.
Thầy Nguyễn Công Hà – Hiệu trưởng nhà trường - cũng nhận định: Khó khăn nhất trong công tác chuẩn bị chương trình SGK lớp 7 là vấn đề con người. Giáo viên hiện tại vốn được đào tạo sư phạm 2 môn (cao đẳng) hoặc 1 môn chuyên sâu (đại học). Việc đội ngũ chưa được đào tạo dạy tích hợp bài bản khiến phân công chuyên môn của nhà trường đối với các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội còn mang tính cơ học nhiều.
Thầy Hà mong muốn Bộ GD&ĐT có cơ chế đào tạo lại giáo viên tích hợp như học thêm văn bằng hai. Nếu nói giáo viên tự học là rất khó vì họ đã có bằng cấp đạt chuẩn. Vì vậy, để chuẩn bị lộ trình lâu dài, Bộ nên cấp kinh phí, tạo điều kiện thời gian và tổ chức cho các giáo viên đi học một cách bài bản. Còn trước mắt, nhà trường khuyến khích thầy cô tự bồi dưỡng, tìm hiểu, nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu cơ cấu môn học mới.
Khởi động cho lớp 10
Năm học tới, Chương trình SGK mới triển khai với bậc THPT với học sinh lớp 10. Đây cũng là thời điểm học sinh chuyển từ giáo dục cơ bản sang giáo dục hướng nghiệp. Học sinh sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng An ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục của địa phương.
Bên cạnh đó, học sinh có thể chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Việc triển khai sách mới của bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Lý – Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc) - tỏ ra hứng thú bởi sách được viết chi tiết, cũng như thiết kế các hoạt động để giáo viên thuận lợi trong dạy học. Mỗi bài học đều có ứng dụng thực tế. Giáo viên các bộ môn khác cũng hào hứng và chờ đợi triển khai SGK mới.
Tuy nhiên, theo thầy Đặng Văn Kỳ - Hiệu trưởng nhà trường, chỉ còn vài tháng là bước vào năm học mới, nhà trường dự kiến khảo sát học sinh lớp 9 tại vùng tuyển sinh của trường về nguyện vọng các môn tự chọn. Có thể tình trạng có môn quá ít học sinh đăng ký, có môn lại rất nhiều, không đủ giáo viên giảng dạy. Khi nắm tình hình, nhà trường sẽ lên kế hoạch xây dựng đội ngũ phù hợp.
Mặt khác có nhiều môn năng khiếu như Nghệ thuật – Âm nhạc – Mỹ thuật trường chưa đủ giáo viên. Vì vậy, nhà trường phải tính đến phương án liên kết với các trung tâm ngoài hoặc thuê giáo viên từ các trường ĐH, CĐ.