Với nhà trường, cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về các nội dung như: Tổ chức đề xuất lựa chọn SGK; thông báo danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 được UBND tỉnh phê duyệt đến GV, học sinh, cha mẹ học sinh; xây dựng giải pháp sử dụng hiệu quả SGK được UBND tỉnh phê duyệt trong dạy - học theo quy định của pháp luật...”, bà La Thị Thúy nhấn mạnh.
Ảnh minh họa/ INT |
Tại huyện Việt Yên (Bắc Giang), công tác lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8 được triển khai từ tháng 2/2023. Sở GD&ĐT dự kiến hoàn thành tổng hợp các SGK do cơ sở giáo dục lựa chọn gửi lên trong tháng 3. Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT Việt Yên, trao đổi, một trong những thuận lợi là địa phương, nhà trường đã có kinh nghiệm triển khai từ những năm học trước.
Qua 3 năm tham gia lựa chọn SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, cán bộ, GV đã quen, chủ động trong tiếp cận, nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung kiến thức, hình thức trình bày của các bộ sách. Nhà trường chủ động phân công GV đọc, cho ý kiến về nội dung, hình thức các bản sách; phân công nhóm cùng chuyên môn chọn sách, thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và thực hiện chọn sách theo đúng quy trình.
Kinh nghiệm rút ra sau 3 năm lựa chọn SGK, theo bà Đỗ Thị Hương, cần nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, GV thực hiện việc lựa chọn sách theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của ngành, địa phương. Cùng đó, tổ chức, triển khai tập huấn sử dụng SGK cho cán bộ quản lý, GV. Chủ động chuẩn bị sớm phân công GV trong công tác chọn SGK.
“Muốn hoạt động chọn SGK hiệu quả, công tác triển khai lựa chọn phải thực hiện sớm, đủ thời gian nghiên cứu. Nhà trường thường xuyên làm tốt công tác truyền thông về thực hiện Chương trình GDPT 2018 nói chung, SGK từng khối lớp nói riêng. Bản mẫu SGK cần gửi đến trường sớm nhất có thể để triển khai nghiên cứu đảm bảo thời lượng, mỗi đầu sách nên có từ 2 bộ trở lên. Phải có đội ngũ GV cốt cán trong trường, nhiều kinh nghiệm giảng dạy tư vấn cho GV khi nghiên cứu sách gặp nội dung chưa thông hiểu cần giải đáp”, bà Đỗ Thị Hương cho hay.
Đặc biệt nhấn mạnh lựa chọn SGK phải thực hiện đúng quy trình theo Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT, bà Đỗ Thị Hương cũng cho rằng: Các bản sách gửi về cần đồng bộ, có cả SGK, sách bài tập, chuyên đề, sách GV. Ngoài bản file PDF theo đường link, cần có cả bản giấy để tiện nghiên cứu, chia sẻ. Nếu có thể, các chủ biên nêu tóm tắt phần giới thiệu sách, hướng khai thác, tính ưu việt của bộ sách. Với nhà trường, cần thiết lập Hội đồng chọn sách, tổ chuyên môn nghiên cứu lựa chọn, phản hồi. Có thể thực nghiệm, soạn giảng một số tiết ở các bộ sách để xem tính hiệu quả.
Chia sẻ bài học lựa chọn sách từ cơ sở, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương), cho rằng, cần quản lý, chỉ đạo GV tham gia đầy đủ buổi tập huấn giới thiệu các bộ sách. Chỉ đạo tổ/nhóm đọc sách nghiên cứu kỹ ưu điểm, hạn chế của các bộ sách để chọn. Ban giám hiệu cùng tham gia trong mọi quá trình đề xuất lựa chọn SGK tại trường.