Luật Căn cước: Giảm tối đa sự phiền hà cho người dân

Theo Thanh Lượng | 21/12/2023, 09:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Luật Căn cước có nhiều điểm mới, có sự thay đổi căn bản và được xem là mang đến những tiến bộ trong công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân, tiến tới Chính phủ số và xã hội số.

Luật Căn cước: Giảm tối đa sự phiền hà cho người dân - Ảnh 2.

Bộ Công an đã cấp được hơn 83,7 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ

PV : Một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng Luật là tính khả thi khi triển khai. Cách thức quản lý dân cư trong Luật Căn cước dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nền tảng dữ liệu và liên thông kết nối hiện nay liệu có đảm bảo cho sự vận hành này, thưa ông? Đặc biệt là ở địa bàn dân cư xa xôi?

Đại tá Trần Quốc Toàn : Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch Covid-19; kết nối, xác thực với Tập đoàn điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Công an đã cấp được hơn 83,7 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ. Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay đang có tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 140 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Hệ thống Internet đã phủ sóng trên 99,7% số thôn trên toàn quốc. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, 91% thôn bản. Vùng phủ 3G/4G đã lên tới 95% dân số đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Như vậy, việc thực hiện giao dịch điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ ngày càng phổ biến ở nước ta.

Do vậy, việc triển khai thi hành Luật Căn cước, nhất là việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng căn cước điện tử là hoàn toàn khả thi, sẽ đem lại hiệu quả cao trong thực hiện chuyển đổi số.

PV : Bên cạnh sự ủng hộ, một số người dân bày tỏ e ngại về những sự thay đổi mới được quy định trong Luật sẽ có thể tạo ra những phức tạp trong việc cấp đổi thẻ, khai báo thêm dữ liệu chẳng hạn như về mống mắt hay những trường thông tin khác. Cơ quan chức năng đã lên phương án như thế nào cho việc triển khai các điều khoản của Luật, thưa ông?

Đại tá Trần Quốc Toàn : Trong quá trình xây dựng Luật, Chính phủ và Quốc hội cũng đã tính toán đến các tác động đến người dân; nhất là sự thay đổi, điều chỉnh về thẻ căn cước, thu thập thông tin sinh trắc học và thu thập, cập nhật thông tin khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Theo đó, Luật Căn cước đã có nhiều quy định đầy đủ, chặt chẽ để hạn chế tối đa tác động bất lợi đến người dân, cụ thể như:

Tại khoản 1 Điều 10 Luật Căn cước năm 2023 quy định nguyên tắc thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được lấy từ các nguồn như từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản lý, từ Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

Chỉ trong trường hợp một số thông tin quy định tại các khoản 1, 4, 5, 7, 8, 9 và 11 Điều 9 của Luật Căn cước (họ và tên khai sinh, ngày, tháng năm sinh, nơi đăng ký khai sinh…) chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước mới yêu cầu người dân cung cấp.

Tại điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước năm 2023 quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Bên cạnh đó, tại Điều 46 Luật Căn cước cũng có quy định chuyển tiếp, người dân không phải thực hiện cấp đổi sang thẻ căn cước khi vẫn có thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng.

PV : Xin trân trọng cảm ơn ông.

Dự án Luật Căn cước đã được Quốc hôi biểu quyết thông qua ngày 27/11/2023, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật gồm có 07 chương, 46 Điều với một số nội dung mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014 như sau:

(1) Bổ sung quy định về căn cước điện tử. Luật Căn cước năm 2023 quy định mỗi công dân chỉ có 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

(2) Quy định việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và căn cước điện tử. Theo đó, một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (như thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…) sẽ được bổ sung, tích hợp vào thẻ căn cước và căn cước điện tử theo đề nghị của người dân. Quy định này sẽ giúp giảm giấy tờ cho người dân trong việc lưu trữ, bảo quản, sử dụng các loại giấy tờ đã được tích hợp vào thẻ căn cước, căn cước điện tử; tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

(3) Quy định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số; giúp giảm bớt nhiều loại giấy tờ và tăng cường tính tiện lợi khi tham gia các dịch vụ xã hội như tiêm chủng, khám chữa bệnh, học tập… Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu.

(4) Quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; quy định này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.

(5) Quy định việc thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước theo hướng mở rộng hơn những thông tin được thu thập, lưu trữ, khai thác trong 02 cơ sở dữ liệu này (như thông tin về sinh trắc học, về số điện thoại di động…) để đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đem lại nhiều tiện ích hơn cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và các hoạt động khác trong xã hội số.

(6) Điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân như lược bỏ thông tin vân tay được in trên thẻ (thông tin này sẽ được lưu trữ trong chíp) và sửa đổi thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành “số định danh cá nhân”, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Theo VOV
https://vov.vn/phap-luat/luat-can-cuoc-giam-toi-da-su-phien-ha-cho-nguoi-dan-post1066711.vov
Copy Link
https://vov.vn/phap-luat/luat-can-cuoc-giam-toi-da-su-phien-ha-cho-nguoi-dan-post1066711.vov
Bài liên quan
Quản lý nhà nước về giáo dục phải đổi mới nhanh để mở đường, dẫn dắt toàn ngành
Chiều 13/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Căn cước: Giảm tối đa sự phiền hà cho người dân