Nhà giáo cần được tạo điều kiện và khuyến khích phát huy tính sáng tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thạc sỹ Lê Vũ - Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho rằng, nhà giáo cần được tạo điều kiện và khuyến khích phát huy tính sáng tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng giáo dục.
Dựa trên nội dung dự thảo Luật Nhà giáo, ThS Lê Vũ có một số ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi liên quan đến quyền, nghĩa vụ và quyền lợi của nhà giáo.
Về quyền của nhà giáo: Dự thảo Luật Nhà giáo cần bổ sung quyền được bảo vệ an toàn, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp. Nhà giáo là những người làm nhiệm vụ quan trọng trong việc giáo dục và phát triển nhân cách cho học sinh, sinh viên, do đó cần được đảm bảo về an toàn, sức khỏe và được tôn trọng.
Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về quyền được tự do sáng tạo trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nhà giáo cần được tạo điều kiện và khuyến khích phát huy tính sáng tạo, áp dụng phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng giáo dục.
Luật Nhà giáo cần được bổ sung quyền được tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và quyền đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình thông qua các tổ chức này. Việc này sẽ giúp nhà giáo được bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của mình được phản ánh.
Về nghĩa vụ của nhà giáo, Luật Nhà giáo cần nêu rõ nghĩa vụ tuân thủ đạo đức nhà giáo, bao gồm phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đội ngũ nhà giáo trong xã hội.
Luật Nhà giáo cũng cần bổ sung nghĩa vụ tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn, bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ sở giáo dục. Điều này sẽ giúp nhà giáo không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy.
Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, Dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, sinh viên và cộng đồng trong việc giáo dục, hỗ trợ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện. Điều này sẽ giúp tăng cường sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên.
Về quyền lợi của nhà giáo, theo ThS Lê Vũ, Luật Nhà giáo cũng phải tính đến chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đồng bộ, hợp lý và cạnh tranh hơn để thu hút và giữ chân những người có tài năng vào nghề. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao vị thế và thu hút nhà giáo.
Bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà giáo về nhà ở, các điều kiện sống và học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là những yếu tố góp phần tạo động lực và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Cần quy định rõ ràng về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ phúc lợi khác nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho nhà giáo. Ngoài ra, cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng kịp thời và xứng đáng với những nhà giáo có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
ThS Lê Vũ cho biết: "Luật Nhà giáo cần quy định cụ thể quyền được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là hết sức cần thiết, nhằm giúp nhà giáo luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, không ngừng hoàn thiện bản thân và theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu của thực tiễn.
Ngoài ra, cũng cần quy định quyền được tự do sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với chuyên môn, năng lực và định hướng phát triển của cơ sở giáo dục. Đây là một yếu tố then chốt, vì điều đó tạo điều kiện để các nhà giáo có thể phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp những công trình khoa học có chất lượng, thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo".