Theo tâm sự của nhiều cô giáo, lý do bỏ nghề là bởi áp lực công việc quá nhiều, giáo viên hầu như không còn quỹ thời gian lo cho gia đình. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ thấp, lương không đủ sống nên nhiều người dù yêu nghề cũng phải chấp nhận nghỉ để tìm việc mới phù hợp với hoàn cảnh gia đình hơn.
Mong có Luật Nhà giáo để các GVMN thêm gắn bó và yêu nghề. |
Theo nhiều chuyên gia, việc sớm có Luật Nhà giáo là một trong những căn cứ quan trọng tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của giáo giới, trong đó có GVMN. Bà Nguyễn Thị Vy, Trưởng Phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho rằng, ở cấp học mầm non, HS luôn được đón về muộn, GV cũng phải làm việc cả giờ trông trưa.
Thực tế cho thấy, nhiều GVMN thường xuyên phải làm việc 1 người thay cho 2 do tình trạng trường thiếu GV, có lớp chỉ có 1 GV trong khi quy định phải có 2 GV/lớp, không kể làm thêm giờ thì với 1 GV/lớp, như vậy giáo viên đã phải làm 200% công sức. Hay như tuổi nghỉ hưu tăng cao song chưa phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp, đặc điểm vùng miền,...
Một số chuyên gia nhận định, cần đưa GVMN rất xứng đáng để đưa vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại như điều kiện và tính chất công việc của họ. Rất mong Luật Nhà giáo sớm ra đời để giải tỏa áp lực, tạo niềm tin để GVMN yên tâm và gắn bó với nghề góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ.
Bộ GD&ĐT đang đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, GVMN, tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.