Luật Nhà giáo là động lực to lớn để nhà giáo yêu nghề

Lê Vân/Báo Tin tức 17/11/2024 08:44

Điểm nổi bật trong dịp tôn vinh các Nhà giáo Việt Nam năm nay là lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là động lực để nhà giáo có thể gắn bó và tôn vinh nghề nghiệp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thưa Bộ trưởng, cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng là thời điểm Dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Dự án Luật được cho là giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của giáo viên trong những năm qua. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những điểm đáng chú ý của Dự án luật này?

Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo.Ngoài sự nỗ lực củamỗi thầy cô giáo,môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo đóng vai trò quan trọng.

Thời gian dàiqua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực, chủ động, kiên trì chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng một Luật điều chỉnh riêng về nhà giáo, nhằm đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới về cách tiếp cận, chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực đểphát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, phù hợp với sự đổi mới sâu sắctừ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học.

Đối tượng, phạm vi áp dụng của dự án Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập,ngoài công lập, đảm bảo sự bình đẳng giữa cácnhà giáovề định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bảnvà cácchính sách đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm...

Đây cũng là lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống,theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khác là dự án Luật quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực, gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cũng được quy định làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu thực tế của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáocông tác ở nơi đặc biệt khó khănvà nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác...

Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có nhu cầu...

Dự án Luật Nhà giáo tiếp tục đề xuất “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Khi đưa vào dự thảo Luật có thểthực hiện được không, thưa Bộ trưởng?

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, là ưu tiên chiến lược. Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định rõ về chính sách tiền lương cho nhà giáo, Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị mới đây nhắc lại, điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm thực thi chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều này giúp cho đội ngũ nhà giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Có thể thấy, nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Dẫu thực sự quan tâm, nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này còn phải cân đối nguồn ngân sách Nhà nước có thể chi trả, vì người lao động nóichung còn nhiều khó khăn,không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Tuy đã có định hướng rõ ràng, nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạonhấn mạnh, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Vì sauhai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở vừa qua, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên.

Một trong những điểm “đột phá” của dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất “ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo”. Bộ trưởng có thể lý giải vì sao dự án Luật Nhà giáo đưa ra đề xuất này?

Quản lý Nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu. Do đó,cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp. Có thể nói, Luật Nhà giáo chính là cơ hội để ngành Giáo dụcđiều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý Nhà nước về nhà giáo, thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý Nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý Nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượngđào tạo và tuyển dụng nhà giáo.Luật cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng, nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.

Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp như thế nào để có thể tiếp tục nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

Phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn yêu nghề vàmong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận, để thể hiện tốt nhất bản thân, cống hiến cho nghề nghiệp và có cơ hội để thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp. Thời gian qua, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã tạo cơ sở pháp lýquan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao độngđặc biệt,cần thêm những cơ sở pháp lý để ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.

Với dự án Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 này, hy vọngvới các chính sách được đề cập trong dự thảo Luật khi được thông qua, được thực thi trong thực tế, sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm điều gì tới đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước?

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và với tư cách cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể các cô giáo, thầy giáo, các nhà quản lý, những người đã và đang làm việc trong ngành Giáo dục.

Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào về những nỗ lực, cống hiến của các thầy, các cô, đã làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ, chuyên môn và tình cảmdành cho người học. Kết quả tích cực của ngành Giáo dục trong những năm qua có sự đóng góp to lớn của các thầy, các cô.Tôi cũng mong rằng, các thầy, các cô sẽ tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm nhiều hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp, đượcxã hộighi nhận.

Chúc tất cả các nhà giáo ngày 20/11 thật vui tươi, hạnh phúc và vững vàng trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/luat-nha-giao-la-dong-luc-to-lon-de-nha-giao-yeu-nghe-20241116235806436.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/luat-nha-giao-la-dong-luc-to-lon-de-nha-giao-yeu-nghe-20241116235806436.htm
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Nhà giáo là động lực to lớn để nhà giáo yêu nghề