Thầy Tú cho rằng, bởi vì Luật Nhà giáo cần phải xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ nhà giáo, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng đi đôi với chính sách ưu đãi, khuyến khích, coi trọng yếu tố tinh thần của nhà giáo ở vùng khó khăn đã hy sinh, dấn thân cả tuổi thanh xuân của mình đi đến những vùng khó khăn để cống hiến vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho hay, khi Luật Nhà giáo được ban hành, đưa vào thực hiện sẽ thúc đẩy giáo dục. Từ đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ông Tú cho biết, khi Luật Nhà giáo được thông qua, nó sẽ tạo hành lang pháp lý trong chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh. “Với đặc thù là 90% trường học ở huyện Bắc Trà My thuộc miền núi, khó khăn, nên việc Luật Nhà giáo được thông qua sẽ có chế độ đãi ngộ tốt cho giáo viên nơi đây. Giúp các giáo viên yên tâm đứng lớp và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống, cơ chế, chính sách, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài", ông Tú nói.
Giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn huyện Bắc Trà My. |
“Công tác ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn phải trải qua quãng đường cách trở, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn,... Tuy nhiên, giáo viên lại chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi phù hợp, mức lương theo quy định không đáp ứng được nhu cầu đi lại, ăn ở, sinh hoạt.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà giáo bỏ nghề hoặc chưa tâm huyết. Chúng tôi hy vọng Luật Nhà giáo được ban hành sẽ giải quyết được bài toán vướng mắc lâu nay của ngành giáo dục. Đồng thời, sẽ có chế độ đãi ngộ, phụ cấp, tôn vinh tương xứng với vị thế của ngành, nghề kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến”, ông Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị đại diện ngành Giáo dục huyện Bắc Trà My cho rằng, khi Luật Nhà giáo được ban hành sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo. Đặc biệt là giải quyết được những bất cập, vướng mắc về hành lang pháp lý trong việc cải thiện cơ chế chính sách đặc thù về lương, bổ nhiệm, tuyển dụng.