Từ ngày 15/10/2023, Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương; điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp . Các quy định này áp dụng giáo viên, giảng viên tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (trường nghề).
Giáo viên, giảng viên trường nghề được xếp theo 5 bậc, tương ứng các bậc gồm B, A0 đến A3.2 của hệ số lương viên chức, tương đương mức lương từ 3,3 - 14,4 triệu đồng/người/tháng.
Giảng viên trường nghề nhận lương cao nhất 14,4 triệu đồng/người/tháng.
Cụ thể, giáo viên, giảng viên trường nghề xếp bậc B (mã: V.09.02.09) hưởng hệ số lương 1,86 - 4,06 (tương đương mức lương từ 3,3 - 7,3 triệu đồng/người/tháng).
Giảng viên dạy thực hành bậc A0 (mã V.09.02.04 và V.09.02.08) được hệ số lương 2,1 - 4,89 (tương đương mức lương từ 3,78 - 8,8 triệu đồng/tháng).
Giảng viên dạy lý thuyết, thực hành bậc A1 (mã V.09.02.03 và V.09.02.07) hưởng hệ số lương 2,34 - 4,98 (tương đương lương từ 4,2 - 8,9 triệu đồng/tháng).
Giảng viên chính bậc A2.1 (mã V.09.02.02 và V.09.02.06) hưởng hệ số lương 4,4 - 6,78 (tương đương lương từ 7,9 - 12,2 triệu đồng/tháng).
Giáo viên cao cấp bậc A3.2 (mã V.09.02.05) được áp dụng hệ số lương 5,75 - 7,55 (tương đương mức lương từ 10,3 - 13,5 triệu đồng/tháng).
Giảng viên cao cấp bậc A3.1 (mã V.09.02.01) được áp dụng hệ số lương 6,2 – 8 (tương đương mức lương 11,1 - 14,4 triệu đồng/tháng).
Riêng giáo viên dạy văn hóa trong trường nghề áp dụng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định tại Thông tư 07/2023 cũng không áp dụng với giáo viên thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Thông tư 07 cũng quy định, viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp được đăng ký dự thi, hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Chính phủ; được cơ quan, đơn vị cử tham gia hoặc xét thăng hạng…
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chiếm khoảng 64%.