“Rõ ràng, lương, thu nhập của giáo viên còn nhiều bất cập. Muốn nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thì cần đẩy mạnh dạy tốt, học tốt. Mà muốn dạy tốt thì đời sống của giáo viên phải được bảo đảm, ít nhất là công bằng với các ngành khác”, GS.VS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm.
Viện dẫn câu chuyện thực tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho hay, có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng thu nhập chưa được 5 triệu đồng/tháng. Hàng tuần vẫn phải nhờ bố, mẹ trợ cấp gạo và thực phẩm. Đây là thực tế chua xót. Trước đây, trong 28 ngành thì mức thu nhập của ngành Giáo dục đứng thứ 14, chưa phải hạng bét. Nhưng thực tế, thu nhập của giáo viên rất thấp và không đảm bảo được đời sống.
“Làm thế nào để nhà giáo sống được bằng lương, để nỗi lo cơm áo gạo tiền không theo vào lớp học là câu hỏi cần sớm được trả lời”, GS.VS Phạm Minh Hạc đặt vấn đề. Thu nhập thấp, giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống. Điển hình nhất là bán hàng online hoặc tăng gia sản xuất bằng cách làm ruộng, vườn hoặc mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Bận rộn xoay xở kiếm tiền, giáo viên không còn thời gian đọc sách, nghiên cứu, tự học và chấm bài cho học sinh. Thậm chí, thầy cô không còn tâm trạng đọc, nghiên cứu tài liệu bởi nỗi lo cơm áo, gạo tiền ảnh hưởng nhiều đến việc tự học, đào tạo của giáo viên.
Cô Hoàng Thị Yên làm tấm chắn giọt bắn để bán online thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang. Ảnh: NVCC |
Nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, ông Nguyễn Văn Cảnh – đại biểu Quốc hội (Đoàn Bình Định) - nhắc lại, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vì thế, nghề giáo đáng lẽ phải ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. Các chế độ đối với nhà giáo phải được ưu tiên trước nhất, để thầy, cô giáo sống được với lương của mình.
Thực tế cho thấy, trong thời buổi kinh tế thị trường, phụ huynh nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông Cảnh cho hay, từ thông tin thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên cho thấy, giáo viên không thể không làm thêm để bảo đảm cuộc sống của bản thân, chưa kể họ phải lo thêm cho gia đình. Vì thế, để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc dạy học, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Trị - nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề lương của giáo viên. Thực tế, lương của nhà giáo được đề cập trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, lương giáo viên đang thấp, thậm chí còn thua kém so với công nhân trình độ phổ thông ở một số lĩnh vực.
Vì vậy, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, không chỉ tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, mà còn thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Khi đó, chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được nâng lên.
Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, tạo thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên như: Hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ… Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho thầy, cô giáo trong quá trình công tác. Mặt khác, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, nhằm tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
GS.TSKH.VS Phạm Minh Hạc nhìn nhận, vai trò của giáo dục vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đời sống của nhà giáo còn thấp. Điều đó dẫn đến những hệ lụy, kể cả những hiện tượng mà chúng ta coi là tiêu cực. Đôi khi cũng là hệ quả của việc thu nhập thấp.