'Chữa lành' cho giáo viên hậu Covid-19

Kim Dung | 06/11/2022, 10:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Giáo viên thường được biết đến là những người tận tụy với nghề. 

Họ không chỉ truyền kiến thức, mà còn kêu gọi, khuyến khích học sinh tin tưởng vào bản thân. Thông qua niềm lạc quan và hy vọng, giáo viên là những người có sức mạnh thay đổi thế giới.

Vấn đề leo thang

Theo Tiến sĩ Jonnalagadda - bác sĩ tâm thần của Mindpath Health (Mỹ) chia sẻ, giáo viên phải đối mặt với khó khăn như học sinh ngỗ ngược, phụ huynh khó tính, làm việc nhiều giờ, lương thấp, yêu cầu từ cấp trên, điểm kiểm tra… Song, đó cũng là một phần của nghề giáo. Hạnh phúc của một giáo viên phụ thuộc vào khả năng cân bằng các yêu cầu công việc, khiến họ không cảm thấy quá tải. Đối với một ngành nghề vốn đã dễ bị kiệt sức, đại dịch Covid-19 và mọi thứ xảy ra sau đó khiến các giáo viên cảm thấy bế tắc.

Một cuộc thăm dò vào tháng 6 của Công ty Tư vấn và Phân tích Gallup cho thấy, 44% giáo viên tại Mỹ có mức độ kiệt sức cao nhất so với bất kỳ nghề nào khác ở quốc gia này. Trong khi đó, giảng viên đại học và cao đẳng đứng thứ hai với 35%. Tỷ lệ này ở ngành chăm sóc sức khỏe và thực thi pháp luật là 31%. Khoảng cách kiệt sức giữa giáo viên và các ngành nghề khác ngày càng nới rộng kể từ năm 2020. Đây là một dấu hiệu cho thấy, các vấn đề của giáo viên có thể đang leo thang.

Từ tháng 2 - 5/2022, có 300.000 giáo viên và nhân viên tại các trường công lập Mỹ đã rời bỏ ngành. Con số này chiếm khoảng 3% lực lượng lao động. Khi các lớp trở lại vào mùa thu năm nay, nhiều trường học đang vật lộn để lấp đầy chỗ trống nhân viên, giáo viên và tài xế xe buýt. Trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 2, có 55% giáo viên cho biết có khả năng sẽ nghỉ việc sớm hơn dự định. Tỷ lệ này tăng 37% so với năm trước.

Hiện, Mỹ cũng ghi nhận xu hướng giảm trong đăng ký các chương trình đào tạo giáo viên. Nhiều người cho rằng, điều kiện làm việc khó khăn, thiếu cơ hội nghề nghiệp và lương thấp là những lý do hàng đầu để không theo đuổi sự nghiệp giảng dạy. Hệ thống trường công lập Mỹ được cho là đang ở một vị trí bấp bênh.

Mặc dù mọi ngành nghề đều phải gánh chịu hậu quả của đại dịch, nhưng giáo viên phải đối mặt hằng ngày với mối đe dọa từ các vụ xả súng trong trường học, học sinh sa sút... Theo nhiều cách, đây không phải là những vấn đề mới. Song, chúng tạo ra gánh nặng “kép”. Ngày nay, nhiều giáo viên cảm thấy bị coi thường, đánh giá thấp trong khi họ đang kiệt sức.

'Chữa lành' cho giáo viên hậu Covid-19 ảnh 1
Nhiều giáo viên ảnh hưởng nặng nề hậu Covid-19.

Công việc của tình yêu

“Dạy học thường được mô tả như một công việc của tình yêu. Giảng dạy thực sự là một công việc của cảm xúc. Thực tế, giáo viên dựa vào cảm xúc đó để khuyến khích học tập tích cực ở người khác. Một đánh giá có hệ thống về dữ liệu được thu thập từ năm 2006 - 2021 tại Mỹ cho thấy mối liên hệ giữa lao động tình cảm với thứ hạng của trường và điểm kiểm tra. Đây là những yếu tố đang trở thành thước đo phổ biến về khả năng của giáo viên”, Tiến sĩ Jonnalagadda cho biết.

Song, công việc đòi hỏi nhiều tình cảm hơn cũng là dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức của các giáo viên. Tình trạng kiệt sức được thể hiện bởi sự kiệt quệ về thể chất, cảm giác hoài nghi hoặc xa cách và không đạt được thành tích. Ở các giáo viên, tình trạng kiệt sức thường do mất nguồn lực, cho dù là nguồn cung cấp, đào tạo, sự tin tưởng hay hỗ trợ. Hiệu trưởng trường học cũng gặp phải tình trạng kiệt sức ở mức độ cao. Sự bực bội có thể khiến giáo viên khó thực hiện các chiến lược giảng dạy.

Để chống lại tình trạng kiệt sức của giáo viên, các kỹ thuật tự học đã được giới thiệu vào những năm 1990. Được coi là đột phá, phương pháp này đã mang lại cho giáo viên và học sinh cơ hội khám phá. Giáo viên tự tin là người có thể xác định những thách thức, tìm ra phương pháp tiếp cận mới và sẵn sàng sửa đổi.

Năm 2008, giáo viên sinh học Amanda Berry đã sử dụng quy trình tự nghiên cứu để đúc kết lại việc giảng dạy, như xác định và quản lý một loạt căng thẳng. Dấu hiệu của sự mất cân bằng ở giáo viên có thể bao gồm việc cân nhắc lựa chọn thay vì đưa ra quyết định. Một ví dụ về căng thẳng trong giảng dạy là sự xuất hiện của cả cảm giác tự tin và không chắc chắn. Kể từ khi đại dịch bùng phát, số lượng bình luận về ngành giáo dục ở Mỹ đã tăng. Giáo viên dường như luôn phải đối mặt với các ý kiến về cách họ thực hiện công việc. Song, nhiều ý kiến cho rằng, điều đó đang cản trở giáo viên thực hiện công việc của họ.

Một giáo viên đã nghỉ việc vào đầu năm nay cho biết trong một bài báo trên Wall Street Journal: “Lý do tôi tiếp tục giảng dạy là vì công việc thực tế và tình cảm dành cho trẻ em, đó thực sự là điều chúng ta nên nghĩ. Thật không may, nó đã trở thành một tỷ lệ rất nhỏ của công việc”.

'Chữa lành' cho giáo viên hậu Covid-19 ảnh 2
Giáo viên là người nắm giữ chìa khoá thành công trong tương lai.

Thách thức trong giảng dạy

Sự thay đổi trong xã hội xảy ra vài năm qua khiến giáo viên hầu như không có thời gian để phản ứng. Trước hết, họ phải chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp sang các nền tảng trực tuyến, khi Covid-19 bùng phát. Nhiều giáo viên đã phải chăm sóc con, trong khi dẫn dắt toàn bộ lớp học qua màn hình. Các phụ huynh cũng có thể quan sát lớp học và cách giáo viên giảng dạy. Họ bày tỏ sự thất vọng về các vấn đề kết nối và kỹ thuật.

Khi trường học đóng cửa vào năm 2021, các tiểu bang đã báo cáo sự sụt giảm thành tích học tập của trẻ em. Học sinh, có vẻ như, đang phải đương đầu với nhiều khó khăn. Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vào tháng 3 cho thấy, 37% học sinh trung học có sức khỏe tâm thần kém trong đại dịch. 44% người học cho biết cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng trong năm qua. Hơn 1/2 chia sẻ từng bị lạm dụng tình cảm ở nhà và 11% nói rằng bị lạm dụng thể chất. Trường học đóng cửa trong thời Covid-19 cũng có nghĩa là nhiều học sinh phải chịu đựng môi trường mà họ không muốn.

Trong nhiều năm, trường học là nơi an toàn cho học sinh, cung cấp bữa ăn và kiến thức. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia ghi nhận không ít vụ xả súng trường học trong thời gian qua. Sau mỗi sự kiện như vậy, các giáo viên đều gặp chấn thương, dù họ chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp. Tình trạng đó có thể khiến giáo viên cảm thấy mất kiểm soát, gia tăng tức giận hoặc hung hăng, xa lánh xã hội, hay gặp triệu chứng thể chất như đau đầu, đau bụng, mất ngủ, thèm ăn.

Tìm cách chữa lành

Tiến sĩ Jonnalagadda cho rằng, hỗ trợ các nhu cầu về sức khỏe tâm thần cho giáo viên là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt. Giáo viên có thể bình thường hóa sự căng thẳng và kiệt sức mà họ cảm thấy. Bởi, đó đơn giản là một phần của việc trở thành giáo viên. Họ cũng biết rằng, các giáo viên khác đang gặp phải điều tương tự.

Tình trạng kiệt sức của giáo viên được đặc trưng bởi cảm giác uể oải, lo lắng, mất hứng thú, vô vọng, cáu kỉnh và thu mình khỏi xã hội. Các triệu chứng về thể chất có thể bao gồm nhịp tim nhanh, khó ngủ, không thở được, đau đầu và đau bụng. Để nhận được sự giúp đỡ, giáo viên có thể bắt đầu bằng cách tâm sự với người mà họ biết và tin tưởng.

Giáo viên cũng có thể tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe hành vi chuyên nghiệp, nếu cảm thấy đặc biệt quá tải. Tâm lý trị liệu có thể là một công cụ mạnh mẽ trong việc quản lý căng thẳng, cũng như hỗ trợ các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của một người. Giáo viên có thể kiểm tra với các khu học chánh và hiệp hội của họ. Nhờ đó, biết các nguồn lực hoặc liên hệ với bác sĩ chăm sóc riêng để được giúp đỡ.

Giáo viên cũng cần duy trì thói quen chăm sóc bản thân, nhằm ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh. Tự chăm sóc bản thân không phải chỉ đơn giản là vệ sinh cá nhân hay đi dạo. Đối với nhiều người, điều đó đại diện cho một cơ hội để xác định cách họ muốn được đối xử. Đối với giáo viên, tự chăm sóc có thể bao gồm thiết lập ranh giới và duy trì điều đó. Giáo viên có thể bảo vệ thời gian của họ bằng cách truyền đạt rõ ràng những gì bản thân được và không sẵn sàng làm.

Đồng thời, hãy tập trung vào những gì có thể kiểm soát. Bằng cách hạn chế tiếp xúc với các sự kiện đáng lo ngại, giáo viên có thể giữ được cảm giác an toàn. Điều quan trọng khác là chăm sóc bản thân. Giáo viên nên ưu tiên chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và ngủ đủ giấc, thực hành các kỹ thuật thư giãn và theo đuổi những sở thích khác ngoài công việc.

Giáo viên hãy giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Giáo viên có thể kết nối với những người khác. Điều này như một lời nhắc nhở rằng, bất kỳ ai cũng có thể liên hệ với người thân để chia sẻ về những gì họ đang trải qua. Điều đó chứng tỏ, họ không đơn độc. Giáo viên cũng cần duy trì kỳ vọng hợp lý. Hãy đối xử tốt với bản thân và đặt ra những mục tiêu nhỏ, thực tế để mang lại sự cân bằng.

“Đại dịch là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc chúng ta trông cậy vào các giáo viên như thế nào để chăm sóc con trong khi bản thân làm việc hoặc theo đuổi các hoạt động khác. Rèn luyện tính kiên nhẫn và lòng biết ơn có thể giúp củng cố sự tự tin của giáo viên một cách lâu dài”, Tiến sĩ Jonnalagadda nhấn mạnh. Do đó, các phụ huynh có thể hỏi thăm giáo viên. Sau đó, cho họ không gian và thời gian để chia sẻ cảm xúc khi sẵn sàng. Đồng thời, nhắc giáo viên chăm sóc bản thân. Các cha mẹ cũng nên bày tỏ lòng biết ơn, thừa nhận vai trò của giáo viên trong cuộc sống học sinh. Điều đó giúp tạo ra cái nhìn tích cực hơn cho tất cả mọi người.

“Dạy học không chỉ là một công việc. Đó là một nghề cao quý kêu gọi các cá nhân hỗ trợ trẻ em trong quá trình trưởng thành và phát triển toàn diện. Cần có sự can đảm, gan dạ và kiên cường để đáp ứng các yêu cầu của một môi trường giáo dục”, Tiến sĩ Jonnalagadda cho biết. Tuy nhiên, ngày nay, giáo viên phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Ngoài cảm giác kiệt sức, nhiều người còn cảm thấy bị ngược đãi, không tôn trọng và nghi ngờ. Họ đang từ bỏ và rời khỏi nghề. Chỉ bằng cách cho giáo viên không gian để phát triển và có cơ hội thành công, thì họ mới không rời bỏ nghề. Bởi, giáo viên là chìa khóa thành công trong tương lai của chúng ta.

Theo Psychiatrictimes

Bài liên quan
Nguồn gốc của chữ viết
(GDTD) - Chữ hình nêm là một trong những hình thức diễn tả bằng chữ viết được biết tới sớm nhất, khoảng thế kỷ 30 trước công nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chữa lành' cho giáo viên hậu Covid-19