Trong đó, học sinh có thể tóm tắt lý thuyết, vẽ sơ đồ tư duy hoặc bảng ma trận những kiến thức trọng tâm, quan trọng. Ở đây, các em mình tự mình thực hiện và ghi chép cẩn thận để nhớ được kiến thức lâu hơn.
Thứ hai, học sinh cần quan tâm hệ thống các bài toán thực tế cũng những kiến thức có tính thực tiễn. Thứ ba, học sinh cần hệ thống lại các dạng bài tập theo từng môn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) cũng lưu ý: Việc ôn tập không chỉ là việc đọc lại kiến thức, mà là việc hiểu và hệ thống hóa kiến thức. Đây là phần quan trọng trong quá trình ôn tập.
Cụ thể, học sinh cần lập bảng hệ thống kiến thức: Sắp xếp các khái niệm, định nghĩa và quy luật theo thứ tự từ cơ bản đến nâng cao. Nhìn vào mục lục của sách giáo khoa để đánh dấu các phần quan trọng và ghi chép lại.
Tóm tắt kiến thức và lập sơ đồ hệ thống kiến thức: Tóm tắt kiến thức trong sách giáo khoa thành các ý chính, từ đó vẽ biểu đồ hoặc sơ đồ tư duy để kết nối các kiến thức với nhau. Liệt kê các chủ đề, khái niệm, và mối quan hệ giữa chúng.
Học từ ngoài vào trong: Học sinh nắm vững các vấn đề lớn trước, sau đó phân tích chi tiết từng phần bên trong.
Với tài liệu ôn tập, ngoài sách giáo khoa, thầy Phan Trọng Hải cho biết, học sinh có thể tham khảo thêm các bài tập trên mạng, các sách bài tập tham khảo khác. Tuy nhiên, các em cần chọn lọc những bài tập phù hợp và có dạng tương tự đề thi các năm trước. Cùng với đó, tham khảo đề thi các năm học trước hoặc đề thi minh họa các năm.
Cô Trịnh Thị Hương thì lưu ý, hiện nay, nguồn tài liệu có rất nhiều và cũng dễ tìm kiếm trên mạng. Nhưng tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa, sách bài tập theo quy định của Bộ GD&ĐT; kết hợp với vở ghi các bài đã học, các dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành...
“Hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, theo tôi không nên chỉ tập trung ôn tập cho học sinh lớp 12 theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Lý do, trong quá trình làm bài vẫn có nhiều câu hỏi khó đòi hỏi học sinh cần phải biết cách giải.
Vì vậy, khi ôn tập, giáo viên cần kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan với hình thức tự luận để giúp học sinh hiểu sâu kiến thức. Hơn nữa, việc này cũng là sự chuẩn bị cần thiết trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018”, cô Trịnh Thị Hương lưu ý thêm.
Với cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, trước hết, học sinh nên chú ý đến những ghi chú và bài giảng từ giáo viên trong lớp học. Đây thường là nguồn thông tin quý báu về nội dung môn học và các điểm quan trọng cần ôn tập.
Ngoài ra, các em cần có các bộ sách ôn thi chuyên biệt dành cho các kỳ thi (kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy...). Những cuốn sách này thường bao gồm các đề thi mẫu, bài tập thực hành và phân tích chi tiết về các chủ đề kiến thức.
Học sinh cũng có thể tận dụng các trang web và ứng dụng di động để truy cập các tài liệu ôn thi miễn phí hoặc có phí phù hợp với nhu cầu của mình, bao gồm đề thi mẫu, bài giảng, video hướng dẫn và bài tập thực hành.