Sau khi biết điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập, thủ tục nhập học như thế nào, lựa chọn trường tư ra sao nếu không trúng tuyển?
Đó là quan tâm hàng đầu của học sinh và phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Ngày 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập và THPT chuyên năm học 2024 - 2025. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ chiều 5 - 7/7, học sinh sẽ xác nhận nhập học theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Thủ tục xác nhận nhập học là bắt buộc đối với tất cả học sinh trúng tuyển. Nếu trong khoảng thời gian quy định, học sinh không xác nhận nhập học thì coi như không có nguyện vọng học tập tại nơi mình đã trúng tuyển.
Về hình thức xác nhận nhập học, với các trường THPT công lập, học sinh có thể xác nhận nhập học trực tuyến tại Cổng thông tin tuyển sinh thành phố Hà Nội (https://tsdaucap.hanoi.gov.vn) hoặc trực tiếp tại trường. Với các trường THPT tư thục, công lập tự chủ tài chính hoặc trung tâm GDNN-GDTX, học sinh phải trực tiếp đến trường làm thủ tục xác nhận nhập học.
Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường trung học phổ thông công lập là 81.200 học sinh. Số học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này là 106.000 em. Như vậy, sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 trường công lập.
Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn, câu hỏi được nhiều gia đình học sinh quan tâm nhất thời điểm này là nếu không trúng tuyển lớp 10 trường công, các em có thể theo học loại hình trường nào trên địa bàn thành phố.
Thầy Nguyễn Viết Cẩn - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hà Thành, một trong những trường tư thục lớn ở Hà Nội thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho biết: Năm học 2024 - 2025, nhà trường được giao 495 chỉ tiêu, cao hơn năm trước 35 chỉ tiêu. Học sinh có thể dự tuyển bằng học bạ cấp THCS hoặc sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Cô Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho hay, với lợi thế không phân biệt khu vực tuyển sinh như những trường THPT công lập, học sinh có thể đăng ký dự tuyển tại các trung tâm GDNN-GDTX.
Khi hoàn thành chương trình lớp 12, học viên đủ điều kiện được tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Bằng tốt nghiệp THPT của học viên giáo dục thường xuyên không có gì khác biệt so với học sinh lớp 12 trường công lập. Các em hoàn toàn có thể tiếp tục học ở cấp học cao hơn mà không khó khăn gì.
Trước thông tin về số lượng học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn khoảng gần 5.000 em so với năm học trước, có thể dẫn đến nguy cơ học sinh thiếu chỗ học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh.
Năm học 2024 - 2025, ngoài hệ thống trường THPT công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm GDNN-GDTX và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập là 81.200 học sinh; còn lại 51.800 học sinh sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Điểm chuẩn lớp 10 ở TPHCM dự kiến được công bố vào ngày 3/7, sớm hơn kế hoạch một tuần. Theo thầy Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM), dù học sinh đạt kết quả thế nào thì phụ huynh cũng nên có sự chia sẻ, đồng cảm. Bởi, học tập ở môi trường nào cũng hướng tới tương lai tốt đẹp cho các em.
Với những học sinh trượt cả 3 nguyện vọng, thầy Đảo cũng lưu ý, việc đầu tiên là phụ huynh phải tìm một trường ngoài công lập đã dự định để đăng ký cho con có chỗ học. Sau đó tiếp tục theo dõi xem sở GD&ĐT tổ chức tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 vào các trường công lập nếu có.
Khi có danh sách các trường công lập tuyển sinh bổ sung được công bố, nếu trẻ có điểm bằng hoặc cao hơn thì nộp hồ sơ. Phụ huynh cũng không nên quá buồn khi trẻ trượt cả 3 nguyện vọng mà nên xem đó như cơ hội để thay đổi môi trường học tập. Nếu các em có ý thức cũng như năng lực học tốt thì dù môi trường công lập hay ngoài công lập sẽ gặt hái thành công.
“Với học sinh đã chắc suất vào trường công lập, việc đầu tiên phải lên website của trường để tìm các nhóm môn học lựa chọn. Tiếp theo, cần xem ngôi trường đó đang dạy bộ sách giáo khoa nào, theo dõi thông báo để nắm những thông tin liên quan đến tuyển sinh, hồ sơ nhập học, bán trú”, thầy Đảo đưa ra lời khuyên.
Tương tự, theo cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM), khi biết điểm chuẩn, học sinh trúng tuyển nguyện vọng nào thì học nguyện vọng đó. Môi trường giáo dục của các trường đều hướng đến việc giáo dục kiến thức và kỹ năng cho các em. Điều quan trọng là việc các em học tập ở môi trường đó thế nào, còn đỗ nguyện vọng 1, 2, 3 mới chỉ là bước khởi đầu.
Với những em trúng tuyển, phụ huynh, học sinh nên dành khoảng thời gian này để tìm hiểu kỹ, sâu về môi trường học tập của trường THPT, cũng như nhóm môn học lựa chọn lớp 10. Việc tìm hiểu trước sẽ giúp phụ huynh, học sinh chủ động khi lựa chọn nhóm môn học lựa chọn trong năm học mới, phù hợp với năng lực, sở trường và thiên hướng nghề nghiệp sau này.
Với học sinh không trúng tuyển ở cả 3 nguyện vọng, không nên quá “đắm chìm” trong nỗi buồn quá lâu vì còn nhiều lựa chọn khác. Phụ huynh cũng không nên so sánh kết quả của trẻ với bạn bè vì các em đã nỗ lực trong kỳ thi và suốt quá trình học tập.
“Lớp 10 THPT công lập không phải là ngã rẽ duy nhất để các em thành công. Điều quan trọng nhất lúc này, phụ huynh cần đồng hành, động viên để các em vượt qua nỗi buồn, không đánh mất sự tự tin vào bản thân. Đồng thời tìm môi trường học tập khác phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này. Ngưỡng cửa lớp 10 mới chỉ là sự khởi đầu để mở ra cho các em những bước đi sau này...”, cô Nguyễn Đoan Trang nhắn nhủ.