Lý do chủ thương hiệu Bia Hà Nội đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục

11/05/2023, 20:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao kèm tình trạng bị cạnh tranh gay gắt, Habeco phải thu hẹp chỉ tiêu lãi trước thuế xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm cổ phần hóa.

Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2023 mới công bố, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính của công ty mẹ đạt 7.367 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với mức thực hiện 6.938 tỷ đồng vào năm ngoái.

Đáng chú ý, ông lớn ngành bia khu vực phía Bắc dự kiến lãi trước thuế 274 tỷ đồng, giảm tới 48% và đồng thời là mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua kể từ giai đoạn cổ phần hóa năm 2008. Năm 2022, Habeco lãi trước thuế 517 tỷ đồng, tăng 88,2% so với kế hoạch và 37,3% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân đặt ra mức lợi nhuận thấp kỷ lục này, lãnh đạo Habeco cho biết năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn khi những ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine lẫn dịch bệnh vẫn còn khó lường. Ngoài ra, thị trường còn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính.

Lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động dẫn đến tình trạng giá cả đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng. Trên thực tế với công ty, dự kiến một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia còn tăng mạnh trong năm 2023 điển hình như bột trợ lọc (tăng 25%), hoa houblon (tăng 10%), gạo (tăng 4%), đường (tăng 8%).

Lý do chủ thương hiệu Bia Hà Nội đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục - 1

Riêng với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân mua vào hồi năm 2022.

Habeco cho biết công ty thu mua được malt với mức giá tăng hợp lý 10% trong khi thị trường tăng 40-50% nhờ ký hợp đồng sớm với đối tác. Tuy nhiên lợi thế này vào năm 2023 sẽ không còn được duy trì.

Song song, Habeco còn tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ cùng ngành như Heineken, Sabeco… Đây đều là các nhà sản xuất từ những tập đoàn đa quốc gia và được hậu thuẫn về kinh nghiệm, nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu, nguồn lực tài chính gấp nhiều lần Sabeco. Lãnh đạo Habeco thậm chí thừa nhận công ty đang yếu thế hơn so với những tập đoàn này.

Bên cạnh đó, công ty cũng chỉ ra xu hướng chuộng bia nhập khẩu của người tiêu dùng hay bị các loại bia có nguồn gốc từ doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ có giá thành thấp hơn bào mòn thị phần.

Trước tình trạng này, công ty đặt ra hàng loạt giải pháp để khắc phục khó khăn cũng như phát triển trong tương lai, một trong số đó là đa dạng hóa mô hình phân phối thông qua kênh thương mại điện tử. Habeco có kế hoạch tăng nhận diện thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước cũng như tối ưu hóa hệ thống bán hàng trực tuyến qua website.

Quý I vừa qua, công ty mẹ của Habeco thu về 836 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Công ty chỉ lãi trước thuế 43 tỷ đồng, giảm 39%. Các số liệu thực hiện này hoàn thành lần lượt 11,3% và 15,6% chỉ tiêu đề ra năm nay.

(Nguồn: Zing News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do chủ thương hiệu Bia Hà Nội đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp kỷ lục