Ùn tắc trên các tuyến đường kết nối TP HCM và Đồng Nai đều ở tình trạng thường xuyên như trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, trên tuyến QL1A qua cầu Đồng Nai. Cùng với việc đưa sân bay Long Thành vào khai thác giai đoạn 1 năm 2025, nếu các tuyến giao thông kết nối không được đầu tư thêm, mở rộng theo quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói riêng và của khu vực nói chung.
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai thay thế cho phà Cát Lái hiện tại, kết nối huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai với thành phố Thủ Đức cũng như các khu vực lân cận là rất cần thiết. Sau khi xây dựng cầu sẽ hình thành nên tuyến giao thông kết nối tỉnh Đồng Nai và TP HCM góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực; tạo thêm kết nối giữa TP HCM và sân bay quốc tế Long Thành qua đường tỉnh 25C. Ngoài ra, thay thế bến phà hiện hữu đã quá tải, không đảm bảo năng lực thông hành; rút ngắn hành trình từ TP HCM, Tiền Giang, Long An, Bến Tre đi Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, còn có thể khai thác quỹ đất dọc tuyến; thúc đẩy sự giao thương giữa các tỉnh trong khu vực đặc biệt là giữa các khu công nghiệp, các khu công nghiệp – các cảng... trên địa bàn TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước.
Cầu Đồng Nai là nơi kết nối với TP HCM và Bình Dương, hiện đang trong tình trạng quá tải
Phóng viên: Sau khi TP HCM thống nhất xây dựng kết nối 3 cây cầu trên, Sở sẽ tham mưu những bước tiếp theo ra sao để đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Ông Nguyễn Bôn: UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị tiếp tục triển khai cầu thay thế phà Cát Lái trong giai đoạn hiện nay. Về phía tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cầu thay thế phà Cát Lái cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai.
Sau khi tỉnh Đồng Nai và UBND TP HCM thống nhất được quy mô, vị trí, giai đoạn thực hiện, đơn vị chủ đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn để triển khai lập hồ sơ. Trong giai đoạn tới, các Sở ngành và địa phương thuộc 2 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp xử lý các nội dung chi tiết hơn trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ký văn bản gửi UBND TP HCM về việc góp ý phương án kết nối giao thông đường bộ giữa Đồng Nai và TP HCM.
Cụ thể, tỉnh Đồng Nai thống nhất xây dựng thêm 3 cầu để kết nối hai địa phương. Đồng thời, bổ sung vào quy hoạch vị trí xây dựng cầu kết nối giữa TP Thủ Đức (TP HCM) với xã Tam An, huyện Long Thành (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2). Tỉnh Đồng Nai đề nghị TP HCM cập nhật kết nối vào tuyến đường tỉnh 777B đã có trong quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành. Cầu sẽ có quy mô 6 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Đồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch tuyến cầu kết nối phía Nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2). Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang huyện Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu.
Tỉnh này cũng kiến nghị TP HCM bổ sung quy hoạch cầu và đường dẫn phía bờ TP HCM với 8 làn xe đồng nhất với quy mô đường tỉnh 769D (25C) đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và đầu tư để kết nối từ cảng hàng không quốc tế Long Thành đến khu vực phía Nam của Quận 7, TP HCM. Giai đoạn đầu tư cầu Phú Mỹ 2 từ năm 2026-2030.
Tỉnh Đồng Nai đồng thời đề nghị TP HCM bổ sung cầu thay phà Cát Lái có quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2025.