Đà Lạt từng là thủ phủ của “Hoàng triều cương thổ” với diện tích trải dài khắp vùng đất rộng lớn, nay là Tây Nguyên. Riêng tại Đà Lạt có nhiều dinh thự của vua Bảo Đại, hoàng hậu và các “thứ phi”, trong đó nổi tiếng bậc nhất là Dinh 3, nơi cất giấu hơn 120 bảo vật của gia đình vua Bảo Đại.
Quản gia trung thành của vua Bảo Đại
Thành phố nhỏ vốn rất yên bình như Đà Lạt cũng bao phen “dậy sóng” khi những bí mật liên quan đến vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam được tiết lộ. Từ những đường hầm bí mật nối liền dinh 1, dinh 2, Cung Nam Phương Hoàng hậu và một số biệt thự lân cận dần phát lộ đến những tòa biệt thự ẩn chứa những chuyện thâm cung bí sử của vua với những “thứ phi” được vua sủng ái như Mộng Điệp, Phi Ánh…
Chiêm ngưỡng các báu vật triều Nguyễn tại Cung Nam Phương hoàng hậu.
Những năm cuối thế kỷ XX, dư luận địa phương xì xào về chuyện báu vật của vua ở Dinh 3. Lời đồn đã được xác tín khi ông Nguyễn Đức Hòa (sinh năm 1927), nhân viên của Dinh 3 đặt một số câu hỏi với những người có trách nhiệm ở Lâm Đồng, đề nghị trả lời về sự mất còn của số báu vật từng được cất giấu tại dinh thự này trước đây. Đến ngày 17/2/2000, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Chủ tịch tỉnh này làm rõ sự việc và báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Vào đầu tháng 3/2000, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản báo cáo, trong đó xác nhận địa phương đang lưu giữ hơn 100 món vàng ngọc châu báu triều Nguyễn.
Được rỉ tai về thông tin này, chúng tôi tìm đến Dinh 3 gặp bác Hòa, người đàn ông có giọng nói xứ Huế nhè nhẹ, chậm rãi, tác phong điềm đạm, hòa nhã. Bác kể quê ở làng Dương Nỗ thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Năm 13 tuổi, được một người bác họ làm ở đội kỵ mã đưa vào Đại Nội giúp việc, sau đó được Từ Cung Thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) cho theo hầu nhà vua. Năm 1950, khi Đà Lạt trở thành thủ phủ của Hoàng triều cương thổ, ông được theo vua Bảo Đại lên Đà Lạt. Bà Từ Cung cũng nhanh chóng cho chuyển nhiều báu vật vào Dinh 3 bằng máy bay riêng của nhà vua.
Một số bảo vật triều Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Bác Hòa cho biết, lúc đầu bà Từ Cung để toàn bộ số vàng ngọc châu báu này trên phòng trang điểm của hoàng hậu Nam Phương, sau đó chuyển xuống nhà kho cất vào 2 két sắt hiệu Graf - Jaque và Lephénix. Bác cùng ông quản gia tên là Duy, ông Huỳnh Công Tráng và một người nữa dùng khay bê các món cổ vật xếp cẩn thận vào từng két. Từ đó đều đặn mỗi năm một lần vào mùa hè, bà lên Đà Lạt kiểm tra các két sắt này.
Bà Từ Cung mất vào năm 1980. Trước khi mất, bà đã bàn giao toàn bộ tài sản và ngôi nhà 79 Phan Đình Phùng cho đại diện TP Huế. Lúc đó có lẽ bà cũng không ngờ rằng mình còn để lại cho đất nước nhiều báu vật quý giá khác. Đó là hơn 120 món vàng ngọc châu báu cất giấu ở Dinh 3. |
Đến năm 1955, Quốc trưởng Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất phế, phải chạy sang Pháp xin lưu vong lần nữa. Dinh 3 lần lượt trở thành nơi nghỉ dưỡng, tiếp khách của các Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Suốt 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, bác Hòa đã tìm cách biến nhà kho thành nơi sinh hoạt cá nhân, khéo léo che đậy các tủ sắt sao cho thoát khỏi sự dòm ngó của những người xung quanh. Trả lời câu hỏi “Vì sao không trình báo về các két sắt với ông Diệm, ông Thiệu?”, bác Hòa khảng khái: “Tôi không thích các ông đó”.
Ước mơ thành sự thật
Thẻ bài Đại Nam Thiên tử.
Đến năm 1975, bác Hòa báo cáo về 2 két sắt nói trên cho các đơn vị quản lý Dinh 3 như Văn phòng Trung ương (T78), sau đó đến Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng. “12 năm ròng rã trôi qua mà không ai dám mở các két sắt này vì sợ có người gài chất nổ bên trong”, bác Hòa chia sẻ rồi cho biết thêm, mãi đến năm 1988, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng mới thành lập Hội đồng giám sát và tiến hành khui két, mang toàn bộ vàng ngọc châu báu về cất ở một phòng làm việc trong trụ sở Ban Tài chính Tỉnh ủy, sau đó chuyển đến Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Ông Hoàng Ngọc Huy, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, ngày 1/9/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định về việc “Xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và phương án xử lý tài sản sau khi xác lập quyền sở hữu nhà nước”. Tiếp đó, UBND tỉnh ra quyết định chuyển giao toàn bộ số tài sản trên cho Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ và phát huy giá trị.
Bảo tàng đã phối hợp với chuyên gia hàng đầu về giám định cổ vật của Bộ VH-TT&DL, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam… để giám định, chỉnh lý và xác định niên đại của từng hiện vật. Qua đó cho thấy đây là bộ sưu tập quý hiếm, rất phong phú về loại hình và đa dạng về chất liệu. Nhiều hiện vật được xếp vào nhóm độc bản chỉ có ở Bảo tàng Lâm Đồng, thể hiện tính thẩm mỹ rất cao.
Bút ngọc thời vua Tự Đức.
“Bộ sưu tập gồm 124 hiện vật các loại, rất phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu như: ngọc, vàng, bạc, đá quý, hổ phách...; là tài sản vô giá được người xưa để lại cho hậu thế, là thông điệp quan trọng từ quá khứ gửi cho hiện tại mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, khám phá và gìn giữ cho tương lai”, ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Sưu tập, quản lý hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng chia sẻ.
Theo lời bác Hòa, bà Từ Cung từng kể, số vàng ngọc, châu báu này do nhiều đời nhà Nguyễn để lại và khi bài trí trong cung điện, dinh thự, một số báu vật, đặc biệt là các tượng Phật được các chuyên gia đánh giá như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tinh tế về mặt nghệ thuật mà còn ẩn chứa sức mạnh tâm linh, trí tuệ của con người Việt Nam. Những báu vật đó chỉ có thể được chế tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các cao thủ trong nghề chuốt ngọc, chạm vàng, đúc đồng…
Nghiên ngọc hình lá sen.
Ông Nguyễn Xuân Dũng còn cho hay, một số báu vật trong bộ sưu tập biểu thị cho uy quyền của các vua quan triều Nguyễn như bút ngọc, phiến ngọc, trấn phong, thẻ bài; những vật quý giá để trang trí cung đình, dinh thự như lư hương bằng ngọc, bình phong chữ vàng đế ngọc, các tượng kỳ lân, sư tử, voi, nai… Trong đó có 3 chiếc thẻ bài được làm bằng bạch ngọc với chữ nạm vàng ghi danh vua Khải Định, bà Từ Cung Hoàng thái hậu và Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau là vua Bảo Đại).
Một trong những hiện vật hiếm hoi có thể xác định được niên đại một cách tuyệt đối là chiếc bút ngọc. Bút được chế tác bằng đá ngọc màu trắng, gồm hai phần quản bút và nắp bút; đầu bút nạm một đai vàng nhỏ, trang trí hoa văn rất tinh xảo. Trên thân bút khắc hai dòng chữ Hán là “Ngự diên văn bảo” và “Tự Đức nguyên niên tạo”, tạm dịch là đồ dùng của vua tại văn phòng, chế tác năm đầu tiên đời vua Tự Đức, 1847. Đặc biệt là chiếc chậu bằng ngọc nguyên khối, thành chậu bịt vàng, gắn cả trăm hạt ngọc (được chế tác vào thế kỷ 19) để vua rửa tay khi cử hành các đại lễ trong triều đình…