Chẳng hạn, năm 1829, Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm đã tổ chức xây cất mở rộng ngôi chùa. Năm 1869, Hoà thượng Pháp Truyền tự Chơn Ý tu sửa lại nhà thờ tổ, giảng đường, trang trí lại nội thất, chạm khắc lại các bức hoành phi, liễn đối.
Năm 1944, Hoà thượng Huệ Quang lợp lại mái ngói chánh điện, mở rộng hậu đường, xây dựng liêu phòng ni phái, tách biệt với nhà dưỡng tăng. Năm 1963, Yết Ma Thiện Giáo trang trí lại giảng đường và xây đài Quan Thế Âm trước chùa. Năm 1964, Đại lão Hoà thượng Tăng thống Huệ Thành xây thêm đài Tam Thế Phật trên cụm tảng đá thiên nhiên xếp chồng lên nhau ở phía bên trái của ngôi chùa và điện Linh Sơn Thánh Mẫu.
Từ năm 1974 đến nay, chùa Bửu Phong trở thành chùa ni, chỉ có các sư cô ở tu tập. Ni Trưởng trụ trì Bửu Phong cổ tự nhiều lần cho sửa chữa và trang trí để ngôi chùa ngày càng trở nên trang nghiêm.
Cổng chùa Bửu Phong xây bằng gạch thẻ, mái lợp ngói ống mặt trước có ghi 4 chữ Hán “Bửu Phong Cổ Tự”, dưới ghi 1676 (năm xây dựng của chùa). Phía dưới có bậc đá tam cấp, tiếp đến một con đường nhỏ về hướng Đông khoảng 30m dẫn đến sân chùa.
Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức đã từng nói đến sự uy nghi, kỳ ảo của nơi thiền lâm này: “Núi Bửu Phong phía Tây Nam ngó xuống Đại Giang, hộ vệ phía sau núi Long Ẩn, suối bàu tẩm nhuận, dẫn tưới ruộng nương. Trên núi có chùa Bửu Phong, phía tả có đá long đầu đứng sững, phía hữu có đá thiền sàng la liệt, khói mây man mác, cây cối sum suê”.
Ngày nay, xung quanh chùa vẫn có nhiều cây cối mọc um tùm, rậm rạp. Nhiều tảng đá to nhỏ tạo hình kỳ dị. Tảng nhỏ có hình như voi, thấp như rùa, cá và nhiều pho tượng lộ thiên khá lớn. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đã tạo cho chùa một không gian cách biệt, thoáng đãng, thanh tịnh.
Không gian Khu du lịch Bửu Long hài hòa giữa thiên nhiên và các công trình văn hóa, tâm linh. |
Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cách đây hơn ba thế kỷ vẫn còn hoang vu, rừng rậm, sình lầy. Trong “Phủ Biên tạp lục”, Lê Quý Đôn cho biết: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào là rừng rậm hàng ngàn dặm...”. Vùng đất này trở thành địa điểm lý tưởng cho cư dân nơi khác tìm đến sinh sống.
Phường Bửu Long được thành lập năm 1994 trên cơ sở xã Tân Bửu. Trước đó, xã Tân Bửu trước đây được thành lập từ xã Bửu Long và xã Tân Thành. Trên địa bàn phường Bửu Long có nhiều dân tộc anh em, gồm Kinh, Hoa, Khơme, Nùng, Tày…
Có tài liệu cho rằng, tên gọi Bửu Long xuất hiện từ rất lâu, có thể do dân gian ghép tên hai địa danh là Bửu Phong và Long Ẩn. Khoảng 300 năm trước, vùng đất này còn là đồi núi hoang vu, lác đác mấy mái nhà tranh đơn sơ.
Vào một ngày đẹp trời, nhà sư có pháp danh Bửu Phong thiền sư từ miền Trung đến ngoạn du, đi qua dãy núi rừng trùng điệp giữa cảnh hoang sơ nơi đây đã dừng chân ngắm cảnh. Nhà sư đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ để tu niệm Phật, lấy pháp danh của mình đặt tên cho chùa, chính là Bửu Phong cổ tự ngày nay.
Vì có cảnh chùa, mỗi ngày tiếng chuông mõ vang lên dân chúng từ từ đến đây tụ tập tìm phương sinh sống. Lúc này, nhà sư mới khai sinh cho địa danh là xóm Bửu Long (Bửu: quý, Long: rồng; nghĩa là “Trái châu của rồng”).
Một góc hồ Long Ẩn trong Khu du lịch Bửu Long. |
Người dân tụ về vùng đất này ngày càng đông, tên Bửu Long dần theo năm tháng như: Xóm Bửu Long, ấp Bửu Long, phường Bửu Long… Khoảng 150 năm sau, một nhà địa lý đến nghiên cứu vùng đất này đã nhận ra địa thế “đất rồng ẩn” (Long Ẩn).
Địa bàn Bửu Long nguyên là làng Bạch Khôi, Bình Điện thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Tư liệu “Địa bạ Nam kỳ” (năm 1836) cho biết, phường Bạch Khôi, thôn Bình Điện thuộc tổng Phước Vinh Thượng.
Cuối thế kỷ XIX, hai làng Bạch Khôi, Bình Điện sáp nhập thành làng Bửu Long. Thời Pháp chiếm, tổng Phước Vinh Thượng đổi thành tổng Phước Vĩnh Thượng. Năm 1939, làng Bửu Long thuộc tổng Phước Vĩnh Trung, quận Châu Thành - sau là quận Đức Tu (1963), tỉnh Biên Hoà cho đến năm 1975.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1945 đến năm 1948, Bửu Long thuộc tổng Phước Vĩnh Trung, quận Châu Thành. Từ năm 1948 đến năm 1954, Bửu Long thuộc về huyện Vĩnh Cửu tỉnh Biên Hòa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địa phận Bửu Long bây giờ gồm hai xã Tân Thành và xã Bửu Long. Năm 1976, gọi là xã Tân Thành; năm 1984 gọi là xã Tân Bửu.
Năm 1990, khu danh thắng Bửu Long được Bộ Văn hóa công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện, Khu du lịch Bửu Long tổ chức kinh doanh nhiều dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, cho thuê lều bạt, thiên nga, thuyền… nhằm phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi.
Đến với khu du lịch Bửu Long, du khách còn được thỏa sức tham quan những điểm đến mới lạ như: Bán đảo Long Sơn, Khu vườn tình yêu, Cầu tình yêu, Vườn Lan, Thiên đường tuyết… Tất cả tạo nên một quần thể thiên nhiên hòa lẫn tâm linh sống động.