Mái "nhà xanh" của hai anh em mồ côi

Hồ Phúc | 09/04/2022, 06:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ khi được nhận nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Mỹ Long (Trà Vinh), anh em ruột Trần Quốc Thịnh và Trần Hoàng Duy đã có sự phát triển về thể chất và tiến bộ trong học tập.

Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Duy luôn được Trung úy Thạch Minh Sĩ kèm cặp trong học tập.Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Duy luôn được Trung úy Thạch Minh Sĩ kèm cặp trong học tập.

Đổi thay những mảnh đời

Năm nay, Thịnh đã là học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Mỹ Long, còn Duy hiện đang học lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Mỹ Long thuộc huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Từ khi trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Mỹ Long, cuộc sống của Thịnh và Duy đã bước sang một trang mới. Hai anh em được bố trí một căn phòng khang trang và sạch sẽ có chỗ ngủ nghỉ, góc học tập riêng. Ngoài ra, các em còn được tặng xe đạp để đi đến trường. Suốt hơn hai năm nay, Thịnh và Duy luôn coi những người lính Biên phòng như chính là “người cha, người mẹ” của mình.

Theo chia sẻ của Trung úy Thạch Minh Sĩ, cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Long, qua nắm bắt tình hình thực tế địa bàn đơn vị quản lý, các anh biết được hoàn cảnh của hai anh em Duy và Thịnh trú tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang rất đáng thương. Người cha bị tai nạn mất khi Duy mới 5 tuổi. Sau một thời gian người mẹ lại đi thêm bước nữa, từ đó một tay bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng hai cháu. Tuy nhiên, gia cảnh của bà ngoại Duy và Thịnh cũng chẳng khá giả gì. Từ thực tế đó, tháng 11/2019 cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng Trà Vinh đã nhận nuôi dưỡng hai cháu đến khi học hết lớp 9 theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Từ khi về sống tại Đồn Biên phòng Mỹ Long, Thịnh và Duy đã có một gia đình thực sự đúng nghĩa, mà ở đó những “người cha, người mẹ” là những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Trong ngôi nhà mới, các em cũng được sinh hoạt theo chế độ, lối ăn nếp ở của một đơn vị quân đội.

Thịnh cho biết: “Hàng ngày, cả 2 anh em đều thực hiện đầy đủ các chế độ như các ba Biên phòng. Sáng dậy đúng giờ tập thể dục sau đó quét dọn phòng ở, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng, đi học. Vì trường của em và Duy sát nhau lại cách đồn Biên phòng chừng 1 cây số, nên hàng ngày em đã tự đưa em trai đến trường mà không phải nhờ đến các ba đưa đón”.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của cán bộ, chiến sĩ trong Đồn Biên phòng Mỹ Long, đến nay Thịnh và Duy đã có da có thịt. Hai em cũng không còn rụt rè, e ngại tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ như trước nữa mà cởi mở hơn. So với những đứa trẻ cùng trang lứa khác trên địa bàn, Thịnh và Duy được xem là những tấm gương vượt khó trong học tập. Chia sẻ về việc được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chăm lo, nuôi dưỡng, Duy vui vẻ nói: “Nhờ các ba Biên phòng thường xuyên kèm cặp, chỉ bảo mà thành tích học tập của con đã đứng tốp khá của lớp. Anh em con luôn quyết tâm học tập thật tốt, để không phụ lòng các ba”.

Con nuôi Đồn Biên phòng Mỹ Long cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chăm sóc khu tăng gia.

Chắp cánh cho những ước mơ

Trung úy Thạch Minh Sĩ tâm sự: “Đơn vị luôn dành những tình cảm thân thương nhất để động viên, chia sẻ với hai cháu Thịnh và Duy. Đồng thời cũng tạo điều kiện về vật chất để các cháu được học tập, vui chơi, sinh hoạt, phát triển toàn diện. Hiện tại, Thịnh và Duy đều là học sinh khá của lớp, đó là niềm động viên, là động lực để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiếp tục quan tâm, chăm lo cho các cháu chăm ngoan, học giỏi, giúp các cháu vượt lên số phận, từng bước trưởng thành”.

Thượng tá Phan Văn Rân, chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Long, cho biết: “Hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ đều tình nguyện trích lương, phụ cấp để tạo quỹ học bổng giúp đỡ học sinh nghèo. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận động mạnh thường quân những phần quà thiết yếu mang theo trong những chuyến công tác xuống địa bàn để thăm hỏi, động viên gia đình các cháu. Tình cảm gắn bó quân dân được thể hiện bằng những việc làm rất thiết thực để chia sẻ khó khăn đến từng hoàn cảnh, chung sức với địa phương kết nối yêu thương, chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Nói về việc làm ý nghĩa của những người lính Biên phòng, bà Phạm Thị Huyền, bà ngoại của Thịnh và Duy, xúc động: “Bản thân cảm thấy rất vui mừng khi cháu Thịnh và Duy được các chú Biên phòng nuôi dưỡng. Được sống trong một đơn vị quân đội, dưới sự chăm sóc của các chú Biên phòng tôi rất yên tâm và tin tưởng tương lai của hai đứa cháu sẽ tươi sáng. Đặc biệt, trong những năm qua, ngoài chăm lo cho hai đứa cháu tôi, những ngày lễ, tết các chú bộ đội còn tới nhà cho quà, tôi không bao giờ quên ơn và thấy rất ấm lòng”.

Được biết, sau khi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường” (năm 2016) và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” (năm 2019), cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Trà Vinh nhiệt tình hưởng ứng. Bởi trên khu vực biên giới biển này có rất nhiều gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không ít bố mẹ không có điều kiện chăm lo cho con em học tập. Nhiều em học sinh không học hoặc bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo. Đến nay, bộ đội Biên phòng Trà Vinh đã nhận đỡ đầu 34 học sinh nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và nhận nuôi dưỡng 4 em tại các đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Thầy giáo Đỗ Tấn Đạt, giáo viên chủ nhiệm của Duy, nói: “Từ khi về sống cùng các anh Biên phòng, em Duy đã có những tiến bộ rõ rệt về học tập. Tại trường, Duy luôn chủ động, tích cực trong các môn học và hòa nhập tốt với bạn bè. Đặc biệt, các anh ở Đồn Biên phòng thường xuyên quan tâm, trao đổi thông tin với nhà trường và tôi về tình hình học tập, đạo đức, tác phong của em. Bản thân tôi nhận thấy mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có mô hình này mà nhiều học sinh được nuôi dạy, cưu mang vượt qua khó khăn, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội”.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mái "nhà xanh" của hai anh em mồ côi