Mặt trái của cuộc sống học đường tại Hàn Quốc

08/06/2023, 11:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bạo lực học đường, bắt nạt học đường tăng mạnh trong thập kỷ qua khiến chính phủ Hàn Quốc đau đầu và phải thực hiện những quy định mới để ngăn chặn điều này xảy ra.

Bộ phim The Glory phản ánh nạn bắt nạt học đường ở Hàn Quốc. Ảnh: Netflix.

Tay nắm chặt chiếc máy uốn tóc tỏa mức nhiệt như thiêu đốt, nữ sinh hành hạ bạn cùng lớp trong phòng thể dục hoang vắng của trường học. Chiếc máy uốn tóc này để lại những vết sẹo chằng chịt, không thể chữa lành trên cơ thể nạn nhân.

Cảnh phim này ở trong The Glory - bộ phim truyền hình của Hàn Quốc mới đây tạo ra tiếng vang toàn cầu. Bộ phim cho người xem thấy một góc nhìn sâu hơn về nạn bắt nạt học đường tại Hàn Quốc.

Trong khi một số nhà phê bình chỉ trích The Glory vì nhiều cảnh phim gây lo ngại, thực tế một số cảnh đó lại dựa trên các sự kiện có thật, bao gồm cảnh bắt nạt bạn bằng máy uốn tóc. Cách miêu tả nạn bạo lực của bộ phim 16 tập đã gây được tiếng vang trong xã hội Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng này.

bat nat o Han Quoc anh 1

Cảnh bắt nạt bạn bằng máy uốn tóc được xây dựng từ câu chuyện có thật ở Hàn Quốc. Ảnh: Wikitree.

Bạo lực tăng mạnh trong thập kỷ qua

Số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc cho thấy các vụ bạo lực và bắt nạt học đường ở nước này đã gia tăng trong thập kỷ qua. Vào tháng 2, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ chấm dứt bạo lực học đường và chính phủ đã có những động thái nhằm đảm bảo hồ sơ bắt nạt phải nêu thông tin rõ ràng hơn khi những kẻ bắt nạt đăng ký vào đại học.

Tuy nhiên, các tổ chức, hiệp hội giáo viên cho rằng những nỗ lực này của chính phủ là chưa đủ. Chính phủ cần chú trọng nhiều hơn vào việc ngăn chặn trẻ trở thành kẻ bắt nạt ngay từ đầu.

Giáo sư tâm lý học Keumjoo Kwak tại Đại học Quốc gia Seoul nói rằng các trường hợp bạo lực và bắt nạt học đường ở Hàn Quốc phản ánh động lực của xã hội tập thể - nơi áp lực từ bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi.

Học sinh lập nhóm và hành hạ những người khác. Các nạn nhân có thể bị cả lớp, thậm chí cả trường tẩy chay vì điều này. Giáo sư Kwak nói thêm việc bắt nạt gây ra những tổn thương về tâm lý, tình cảm dai dẳng và lặp đi lặp lại theo thời gian.

"Bắt nạt học đường và bạo lực học đường luôn tồn tại ở Hàn Quốc, nhưng các phương pháp được sử dụng ngày càng tinh vi và độc hại hơn. Nhiều học sinh bắt chước các cảnh trong phim và sử dụng mạng xã hội để lan truyền điều đó", nữ giáo sư nói với The Guardian.

Trẻ trầm cảm vì bị bắt nạt

Ông Lee Sang-woo, giáo viên tiểu học và là Giám đốc của Hiệp hội Giáo viên và Viên chức Giáo dục Hàn Quốc (KTU), nói rằng bạo lực và bắt nạt học đường có thể làm giảm đáng kể lòng tự trọng của học sinh, dẫn đến sự cô lập với xã hội và gia tăng mức độ trầm cảm, lo lắng.

"Nạn nhân thường nghĩ rằng các em không thể giải quyết tình trạng bắt nạt học đường. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Ngoài ra, trẻ cũng bị sa sút trong học tập, tránh đi học trong thời gian dài, thậm chí là bỏ học", ông Lee nói.

Một nghiên cứu gần đây ở các sinh viên đại học từng trải qua bạo lực học đường cho thấy hơn một nửa trong số đó từng nghĩ đến việc tự tử. Giáo sư Kwak cho biết môi trường cạnh tranh, áp lực lớn mà nhiều học sinh Hàn Quốc đang đối mặt có thể khiến vấn đề bắt nạt thêm trầm trọng.

Bà nhận định học sinh Hàn Quốc phải chịu áp lực học tập căng thẳng, phải học trong nhiều giờ, chủ yếu là tập trung vào kỳ thi đại học. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt, phân cấp thứ bậc, không có hoạt động thể chất để tiêu hao năng lượng. Chính điều đó khiến một số cá nhân bắt nạt người khác như một cách để giải trí.

Hành động chống lại bạo lực và bắt nạt rất khó khăn. Đối với những người dám đứng lên, cuộc đấu tranh có thể kéo dài rất lâu và không nhận được sự giúp đỡ từ người khác.

bat nat o Han Quoc anh 2

Khi bị bắt nạt, nạn nhân sẽ bị cả lớp, thậm chí cả trường tẩy chay. Ảnh: OneHallyu.

Tại Hàn Quốc, số vụ tranh chấp pháp lý liên quan bạo lực học đường đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Gần đây, Hàn Quốc nổ ra tranh cãi liên quan việc con trai luật sư Chung Sun-sin là kẻ bắt nạt. Cụ thể, con trai ông bị buộc tội mạt sát một người bạn ở trường trung học và bị buộc phải chuyển trường.

Sau khi có thông tin cho rằng luật sư Chung đã lạm dụng chức quyền để đảo ngược hình thức kỷ luật cho con trai, quyết định bổ nhiệm ông làm giám đốc Văn phòng Điều tra Quốc gia đã bị rút lại.

Vụ bê bối của luật sư Chung Sun-sin không phải một vụ cá biệt. Tại Hàn Quốc, những vụ việc tương tự đã xảy ra. Phong trào #MeToo trong vài năm qua giúp nhiều nạn nhân đứng ra lên tiếng, cáo buộc những kẻ bắt nạt.

Chính phủ đang thay đổi

Các nhà lập pháp ở Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi các luật liên quan nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng các vụ bắt nạt học đường, đồng thời dập tắt nạn này ở trường học.

Chính phủ cũng đã thông báo việc đưa hồ sơ bắt nạt vào quy trình tuyển sinh đại học chính quy, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho nạn nhân.

Trước động thái này của chính phủ, các hiệp hội của giáo viên rất hoan nghênh, nhưng họ cũng cho rằng chính phủ cần hành động nhiều hơn để khôi phục mối quan hệ giữa các học sinh.

Trong một tuyên bố, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp giáo dục học sinh so với các biện pháp trừng phạt. Liên đoàn nêu một số giải pháp như thành lập các tổ chức chuyên biệt để giáo dục kẻ bắt nạt và giáo dục cho cả cha mẹ của các em.

Liên đoàn cũng kêu gọi đền bù cho các giáo viên đứng ra xử lý các vụ bạo lực học đường và có cách tiếp cận tinh tế hơn, tùy theo tình hình của từng trường.

Bàn về vấn đề này, giáo sư Keumjoo Kwak nói rằng nạn nhân và thủ phạm phải được hỗ trợ để giải quyết vấn đề. Cụ thể, nạn nhân cần được tư vấn, hỗ trợ để vượt qua tổn thương tâm lý. Thủ phạm cần chịu trách nhiệm cho hành động của mình nhưng cũng cần có cơ hội để thay đổi.

"Nếu chúng ta không hành động, những kẻ bắt nạt sẽ tiếp tục làm hại người khác khi trưởng thành", giáo sư nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt trái của cuộc sống học đường tại Hàn Quốc