Kiểu phụ huynh như bà mẹ này thực sự rất tai hại nhưng cũng không phải hiếm.
Đối với trẻ nhỏ, học tập là quan trọng nhưng không phải tất cả. Ngoài việc học, trẻ còn cần phải học kỹ năng sống, học cách giao tiếp,.. để cân bằng cuộc sống. Nếu chỉ quá chú trọng vào việc học mà bỏ bê các kỹ năng khác thì khi trưởng thành, trẻ chưa chắc đã thành công mà nhiều khi còn gặp phải bi kịch. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu được điều này.
Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã khiến nhiều người cảm thấy cạn lời. Theo đó, bà mẹ nọ có con trai đang học cấp 2. Chị yêu cầu con phải có thành tích học tập xuất sắc và lúc nào cũng bắt con phải học chăm chỉ. Có thể nói, đứa trẻ này ngoài ăn và ngủ thì suốt ngày học.
Kết quả là tuy con chị học rất giỏi, điểm số đứng đầu lớp ở mọi môn học nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội trầm trọng. Ở lớp, em không có bạn bè, không nói chuyện với ai và cả lớp cũng không ai hào hứng nói chuyện với em.
Trong buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã chia sẻ về tình trạng của em ở trường lớp với người mẹ. Cô giáo khuyên gia đình nên để ý kỹ hơn đến việc kết bạn, giao tiếp xã hội của con. Tuy nhiên, bà mẹ lại trả lời giáo viên: "Ưu tiên hàng đầu của học sinh không phải là học tập hay sao? Điểm số của con tôi rất tốt, không cần phải tiếp xúc với người khác quá nhiều, nếu không sẽ bị lạc lối. Hơn nữa, những đứa trẻ cùng lớp chỉ ghen tị với con tôi, cháu học giỏi như thế, không kết bạn với chúng cũng chẳng sao!".
Những lời này khiến cho cô giáo chủ nhiệm, ngỡ ngàng không nói nên lời, chỉ có thể cứng ngắc nói: "Được, được, được thôi".
Ảnh minh hoạ
Giao tiếp với người khác cũng là một môn học phải học của trẻ!
Kiểu phụ huynh như bà mẹ trên thực sự rất tai hại nhưng cũng không phải hiếm. Có rất nhiều phụ huynh quan niệm rằng, con chỉ cần học là được. Tại sao phải giao tiếp với các bạn cùng lớp nhiều hơn? Chỉ cần có bố mẹ đi cùng mỗi ngày là đủ. Chính vì những tư tưởng độc hại như vậy nên trẻ dễ mắc phải bệnh tâm lý.
Thực tế, giao tiếp với người khác cũng là một môn học bắt buộc phải học của trẻ. Chúng ta thường gọi đó là trí tuệ cảm xúc. Nói chung, việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc có mối quan hệ rất lớn với sự giáo dục của cha mẹ.
Cha mẹ nên khuyến khích con học tập, đồng thời cũng cần khuyến khích việc giao tiếp và quản lý mối quan hệ giữa các bạn trong lớp. Chỉ bằng cách này, những đứa trẻ mới có cả EQ và IQ. Khi lớn lên, bước chân vào xã hội, trẻ mới có thể xử lý tốt các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống.
Con người là sinh vật xã hội nên mối quan hệ giữa các cá nhân rất quan trọng. Trong xã hội ngày nay, cha mẹ cần giáo dục con cái thật tốt thì con mới có thể đương đầu với những sự cạnh tranh trong tương lai. Nếu cha mẹ chỉ giáo dục con về mặt điểm số mà bỏ đi những kỹ năng xã hội thì sẽ có ngày, con bị xã hội bỏ rơi.