Messi vẫn là số một thế giới

10/12/2022, 16:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Messi kiến tạo. Messi ghi bàn. Messi rầy la trọng tài. Messi khiêu khích, mỉa mai, quát mắng đối thủ. Messi động viên đồng đội. Messi là tất cả. Messi ở khắp muôn nơi.

Theo thống kê sau hiệp một, Messi chạm bóng 20 lần, chỉ nhiều hơn hai cầu thủ khác trên sân là thủ môn Emiliano Martinez và tiền đạo Hà Lan Steven Bergwijn. Anh đi bộ là chủ yếu, cầu thủ đi bộ nhiều nhất giải. Đi giống như khám điền thổ, quan sát từng ô cỏ, từng con người trong tấm áo da cam đứng đâu, làm gì trên đó.

Phút 35, Messi tung ra đường chuyền mà có lẽ ở giải đấu này, chỉ duy nhất anh có thể thực hiện được, cho Nahuel Molina như "chui từ dưới đất lên" ghi bàn. Đường chuyền mà Leo không cần nhìn. Nếu cần, hẳn anh phải có "mắt sau gáy". Đường chuyền giữa sáu cầu thủ Hà Lan vây quanh.

Nó làm liên tưởng đến đường chuyền của Diego Maradona cho Claudio Caniggia khi họ knock-out Brazil tại World Cup 1990. Nếu cho Messi lơi chân nửa mét, anh sẽ trừng phạt đối thủ, như người ta vẫn nói. Đôi khi là trừng phạt bằng một bàn thắng, nhiều lúc trừng phạt bằng một đường chuyền như thế.

Messi anh 1

CĐV Argentina mừng chiến thắng tại Buenos Aires. Ảnh: Reuters.


Cơn cuồng Messi ở khắp năm châu

Đường chuyền đó, và những pha bóng, sự kiện trong trận đấu khiến một bộ phận không nhỏ trên thế giới mê sảng, từ những người hành hương đến Doha chỉ để xem Messi, tới Buenos Aires, tới cả những ngôi làng hẻo lánh ở Bangladesh hay Ấn Độ.

Nó tạo thành cơn mê sảng, mà chính những người đang trong cơn mê sảng đó không muốn thoát ra, muốn ở lại mãi đó, ở mãi trong hành trình theo đuổi tercera, lần thứ ba vô địch World Cup của đội bóng xứ sở tango.

Bạn có thể bắt gặp cơn mê sảng đó nhiều nào trên tinh cầu này. Như ở quảng trường Francisco Seeber rợp bóng cây ở thủ đô Buenos Aires, nơi có một Messi bơm hơi khổng lồ để mọi người chụp ảnh selfie, có màn hình lớn, bánh mì, nước uống mang hình Messi, nơi người ta nhảy nhót và hô vang câu nói nổi tiếng “el que no salta es in ingles” - “Người nào không nhảy là người Anh”.

Nhiều quốc gia muốn Argentina vô địch vì Messi, vì con người, bóng đá, đam mê của anh. Giải World Cup cuối cùng của một người gần 20 năm cống hiến cái đẹp cho thế giới. Đấy không phải là điều võ đoán. Hãy cứ nhìn quanh hoặc bật truyền hình xem không khí tại Doha, thủ đô tạm thời của thế giới trong tháng này, ta sẽ cảm nhận được điều đó.

Hình Messi có mặt các tòa nhà chọc trời, ga tàu điện, nhà hàng, các điểm công cộng. Vì Messi đầu quân cho PSG, CLB thuộc sở hữu của nhà nước Qatar. Mới thấy PSG năm ngoái mang được Messi về Paris là món hời với Qatar.

Hình Messi, tên Leo và số 10 xuất hiện đầy trên người đi đường. Không chỉ trên người những người mang hộ chiếu Argentina, mà còn người từ Mỹ, Caribbean, Trung Quốc, Ấn Độ tới Doha để cổ vũ cho Messi. Như anh Abdul Haseeb từ bang Kerala của Ấn Độ sang, khoe rằng là thành viên của CLB những người hâm mộ Messi ở Kerala với đâu đó khoảng 30.000 thành viên.

Messi anh 2

Hình ảnh Messi và Maradona luôn song hành với các CĐV Argentina ở các sân vận động. Ảnh: Reuters.


“Vì Messi là người của mình mà”

Nếu có chốn nào đó ngoài Argentina yêu Messi nhất, thì phải nói đó là Bangladesh. Không. Không. Khoan, từ từ đã. Ở Argentina lúc trước, nhiều người cho rằng Messi không phải dân Argentina thật sự như Maradona hay Carlos Tevez vì anh ra nước ngoài sớm. Bây giờ, vẫn có người Argentina không ưa Messi. Còn ở Bangladesh, tình yêu dành cho Messi là tuyệt đối, không tranh luận, thách thức.

Mỗi khi có trận đấu của Argentina, màn hình lớn được dựng lên ở quảng trường, giống như lễ hội, sau mỗi chiến thắng là cuộc diễu hành quanh đường phố, dù lúc đó là 3 giờ sáng. Một MC truyền hình ở Bangladesh xuất hiện trên sóng đưa tin về World Cup khi đang mặc áo đội tuyển Argentina. Một người Bangladesh khác tạo ra một lá cờ Argentina - không đùa đâu - dài hơn nửa dặm. Anh ấy và các bạn mình diễu hành nó qua các đường phố Dhaka.

Argentina chỉ có 46 triệu dân. Bangladesh có tới 169 triệu dân, hẳn có nhiều người hâm mộ đội tuyển Argentina hơn chính tại xứ sở tango. Bangladesh nổi tiếng với môn cricket hơn là bóng đá. Ấy vậy, khi nói đến bóng đá thì nó đồng nghĩa với đội tuyển Argentina.

Nếu đi trên đường phố thủ đô Dhaka, bạn sẽ ngỡ mình đang ở khu phố tại Buenos Aires. Các dãy nhà chung cư được trang trí bằng màu quốc kỳ của Argentina - xanh da trời và trắng. Những bức tranh tường bày tỏ lòng kính trọng đối với Maradona và Messi. Quốc kỳ Argentina, Bandera Oficial de Ceremonia, treo khắp nơi - ban công, đỉnh tháp, cột đèn.

Messi anh 3

Một góc đường phố Dhaka có bức tranh tường Messi. Ảnh: Reuters.

Đã có nhiều nhà nhân chủng học cất công đi tìm xem, giữa dân Argentina và Bangladesh có mối quan hệ về nhân chủng nào không. Và họ đều lắc đầu, không hề có một manh mối nào như thế.

Có người giải thích thế Bangladesh đứng thứ 192 (trong số 211) trên bảng xếp hạng thế giới của FIFA. Có lúc họ thậm chí còn ở vị trí thấp hơn và chưa bao giờ tiến gần đến vòng loại World Cup. Vì vậy, khi không có những người hùng bóng đá của riêng mình, người dân Bangladesh phải tìm đến những đội bóng khác để cổ vũ cuồng nhiệt.

Nhưng tại sao là Argentina mà không phải đội bóng khác? Vào đầu những năm 1980, ở Bangladesh không có TV màu. Đối với nhiều người, cách duy nhất để biết về World Cup là qua báo chí. Giải đấu năm 1986 được truyền hình đầu tiên ở Bangladesh. Đó là giải đấu của Argentina, giải đấu của Maradona, và tất cả người Bangladesh bị cuốn hút vào đó. Sự cuốn hút có tính lan truyền qua thế hệ.

Cũng có người bảo Bangladesh từng là thuộc địa của Anh. Mà Anh đụng độ với Argentina trong cuộc xung đột Falklands năm 1982. Nên Bangladesh có sự đồng cảm với Argentina, đặc biệt là khi Maradona với “Bàn tay của Chúa” trừng phạt Anh. Các video được đăng trên internet cho thấy hàng nghìn người Bangladesh tràn xuống phố để ăn mừng chiến thắng năm 1986 đó.

Cũng có lúc người Bangladesh mê một đội bóng khác nữa ngoài Argentina, là Brazil. Nhưng từ khi có Messi, tất cả tình yêu dồn hết lại cho Argentina. Messi, cầu thủ giỏi nhất thế giới, đã 7 lần giành Quả bóng vàng.

Messi anh 4

Một trận đấu của đội tuyển Argentina được chiếu trên màn hình lớn ở một khu dân cư tại Bangladesh. Ảnh: Reuters.


“Một nước Argentina ở Đông Bán Cầu”

Đây không phải chỉ là tình yêu đơn phương. LĐBĐ Argentina gửi thông điệp qua Twitter để cảm ơn người dân Bangladesh vì sự ủng hộ của họ. Các nhà báo Argentina bắt đầu đăng các dòng tweet bằng tiếng Bengali để độc giả mới của họ có thể đọc những tin tức mới nhất.

HLV Lionel Scaloni kinh ngạc: “Chúng tôi quá đỗi tự hào với sự cổ vũ của người Bangladesh”. Ở Buenos Aires, đã có những người mừng chiến thắng của Messi và các đồng đội bằng cách vẫy cờ của Bangladesh.

Mối quan hệ hiện được thiết lập vững chắc đến mức El Destape, một trong những cơ quan truyền thông ở Argentina, đã đưa tin về trận đấu cricket quốc tế giữa Bangladesh với Ấn Độ vào Chủ nhật. “Từ Argentina, chúng tôi xin chúc mừng Bangladesh vì chiến thắng to lớn này”, nhà đài vui vẻ thông báo.

Một người Argentina lập một nhóm trên Facebook vào tuần trước, có tên “Những người Argentina hâm mộ đội tuyển cricket Bangladesh”. Sau 5 ngày kể từ khi ra mắt, nhóm đã có 119.000 người theo dõi và con số này đang không ngừng tăng lên. Tất nhiên, nhiều người vẫn đang tìm hiểu về luật chơi cricket thôi.

Hành trình tercera của Messi và đội tuyển Argentina vẫn tiếp tục. Nó sẽ leo dần, chắc chắn đến cực điểm ngày 18/12, nếu Messi có mặt trong trận chung kết. Từ giờ đến đó, sẽ còn nhiều nhà báo đặt vé ghé qua Dhaka để đưa tin về “một quốc gia Argentina thứ hai ở Đông Bán Cầu”. Bangladesh có cơ hội vang danh thế giới, nhờ bóng đá, nhờ đội tuyển Argentina, và nhờ Messi.

Highlights Hà Lan 2-2 Argentina (pen: 3-4) Lionel Messi và các đồng đội giành quyền vào bán kết World Cup 2022 sau khi vượt qua Hà Lan với tỷ số 4-3 trên chấm luân lưu.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Messi vẫn là số một thế giới