Mệt mỏi với xăng dầu, nhiều người chuyển sang phương tiện công cộng

Theo Minh Hiếu | 15/11/2022, 10:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xăng dầu liên tục tăng giá, nhiều cửa hàng tạm đóng hoặc bán “nhỏ giọt”, đổ xăng khó khăn và mệt mỏi xếp hàng,…Tình cảnh kéo dài đã và đang khiến người dân nhiều địa phương mệt mỏi.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, lượng hành khách đi xe buýt trong tháng 10 là gần 24,5 triệu lượt, tăng gần 4 triệu lượt so với tháng 9, tương đương 18%.

Nhiều hành khách, và cả lái xe, đều cảm nhận rõ lượng người đông hơn trong mỗi chuyến đi. Tài xế xe buýt Nguyễn Minh Long cho biết: "Ngày lễ, thứ hai đầu tuần nhiều lúc là quá tải. Chúng tôi vẫn cố gắng đón hết, nhưng cũng có trường hợp đông quá người ta không lên, bởi vì nhìn xe chật chội, quá đông".

Với anh Lê Đức Lâm, ở Long Biên, phương tiện công cộng có nhiều ưu điểm so với phương tiện cá nhân nên anh quyết định đi làm bằng xe buýt: "Mình sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng được cái là mình có thời gian nghỉ ngơi, đỡ áp lực hơn là đi xe máy trên đường. Trong ngắn hạn thì mình vẫn đi xe buýt. Một phần do giá xăng, một phần vì lý do cá nhân, việc mua xăng gần đây cũng gặp nhiều khó khăn".

Tuy nhiên, với nhiều người, thời gian là yếu tố quyết định. Như chị Nguyễn Hà Thu, nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân, chỉ đi tàu điện rồi xe ôm, chứ không lựa chọn xe buýt để kết nối: "Đi không bị tắc đường là đã thấy thoải mái rồi, khi thấy mọi người vật vã đi đổ xăng thì thấy lựa chọn của mình càng đúng. Xe buýt thì vẫn là đi trên đường, vẫn bị tắc, chị đã đi thử rồi. Thế nên phương án tối ưu của chị là đi tàu điện trên cao, còn đến chỗ làm thì chị đi GrabBike là nhanh nhất".

Mệt mỏi với xăng dầu, nhiều người chuyển sang phương tiện công cộng - Ảnh 3.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, lượng hành khách đi xe buýt trong tháng 10 là gần 24,5 triệu lượt, tăng gần 4 triệu lượt so với tháng 9, tương đương 18%.

Trên thực tế, dù Thành phố đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và thu hút người dân sử dụng, nhưng không ít hành khách vẫn nản lòng với một số bất tiện trong việc tiếp cận và thời gian chuyến đi kéo dài vì tắc đường.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương, Trường đại học Giao thông Vận tải cho rằng, việc nhiều người dân chuyển sang phương tiện công cộng trong bối cảnh xăng dầu đắt đỏ và thiếu hụt là tín hiệu đáng mừng, là cơ hội để vận tải hành khách công cộng phát triển.

Tuy nhiên, việc “giữ chân” họ khi xăng dầu ổn định trở lại, hay thu hút thêm hành khách là “bài toán” không đơn giản, đòi hỏi cơ quan quản lý tiếp tục kiên trì với những giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên phát triển giao thông công cộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Thứ nhất, xe buýt phải đảm bảo được tính kết nối. Thứ hai là tuyến đường sắt trên cao, cần tổ chức các giải pháp để người dân thuận tiện, họ có nơi gửi xe, có thể chuyển sang các hình thức đi lại khác, như là chuyển tuyến bằng xe buýt, xe đạp, để làm sao đảm bảo được tính thuận tiện và chuyến đi của hành khách", PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương nói./.

Theo VOV
https://vov.vn/xa-hoi/met-moi-voi-xang-dau-nhieu-nguoi-chuyen-sang-phuong-tien-cong-cong-post984037.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/met-moi-voi-xang-dau-nhieu-nguoi-chuyen-sang-phuong-tien-cong-cong-post984037.vov
Bài liên quan
Giá xăng hôm nay có thể tăng 200 - 500 đồng/lít
Nhiều ý kiến dự đoán trong kỳ điều hành hôm nay (16/1), giá xăng trong nước có thể tăng 200 - 500 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mệt mỏi với xăng dầu, nhiều người chuyển sang phương tiện công cộng