Bánh mì được bày bán tại một khu chợ ở Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/ TTXVN
“Nearshoring” gia tăng trong thời gian đại dịch COVID-19 bởi chi phí vận chuyển sản phẩm qua Thái Bình Dương tốn kém hơn trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi thời gian vận chuyển nhanh chóng. Cây bút Peter S. Goodman của tờ The New York Times vào đầu năm nay nhận định rằng các công ty như Walmart đang đẩy mạnh hướng đến những quốc gia lân cận Mỹ để đáp ứng nhu cầu của họ trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Michael Burns tại công ty đầu tư Murray Hill Group lập luận về xu hướng “nearshoring”: “Nó không phải là phi toàn cầu hóa. Nó là giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa với tập trung hướng vào mạng lưới khu vực”.
Bà Shannon O'Neil's tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations - CFR) cho rằng việc giữ sản xuất gần hơn với lãnh thổ Mỹ sẽ có ích cho người lao động nước này. Theo bà O'Neil, trung bình có 40% hàng hóa nhập khẩu từ Mexico sẽ đi vào quy trình sản xuất cuối cùng tại Mỹ. Trong khi con số này đối với Canada là 25% và Trung Quốc chỉ là 4%.
Business Insider đánh giá trong những tháng gần đây, Tổng thống Joe Biden đã hướng đến cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã đến thăm Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 6 và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây cũng có chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken và Chủ tịch Tập Cận Bình đều cam kết về ổn định quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Yellen đã bày tỏ quan ngại về “hoạt động kinh tế không công bằng” nhưng bà vẫn kỳ vọng hai bên có thể hợp tác chặt chẽ bởi “thế giới đủ rộng lớn để cả hai quốc gia cùng phát triển”.