CAP tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái, thành lập năm 1972. Đến năm 1994, doanh nghiệp được thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm sản, nông sản thực phẩm. Sau khi cổ phần hoá năm 2004, CAP chính thức lên sàn chứng khoán đầu năm 2008 mang theo những mặt hàng độc lạ.
CAP được biết đến là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tâm linh (giấy đế, vàng mã) hiếm hoi trên sàn chứng khoán. Mỗi năm, mảng này mang về cho CAP hàng trăm tỷ đồng doanh thu. Giai đoạn 2019-2022, nguồn thu từ bán giấy đế, vàng mã thường xuyên đóng góp trên 40% doanh thu của CAP trước khi con số này giảm xuống 35% trong niên độ tài chính 2022-2023.
Trong khi đó, một mặt hàng chủ lực khác của CAP là tinh bột sắn vẫn tiếp tục tăng trưởng và lập kỷ lục doanh thu mới. Dù vậy, doanh thu từ sản phẩm này niên độ 2022-2023 chỉ nhích nhẹ 4% so với năm trước lên gần 400 tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng doanh thu. Tăng trưởng mặt hàng này không đủ bù đắp cho mảng bán giấy đế, vàng mã khiến doanh thu của CAP giảm 7% so với niên độ trước, xuống mức 611 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ tiết giảm mạnh giá vốn và chi phí, lợi nhuận sau thuế niên độ 2022-2023 của CAP vẫn tăng 7,5% so với niên độ trước lên mức 114 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi hoạt động. Trong đó, lãi gộp từ bán vàng mã ghi nhận hơn 13 tỷ, kinh doanh giấy đế lãi gộp 73 tỷ và tinh bột sắn lãi gộp 90 tỷ đồng.
"Ăn nên, làm ra" nhờ các mặt hàng độc, lạ, CAP còn có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %. Với kết quả lãi kỷ lục niên độ 2022-2023, doanh nghiệp này sẽ "dốc hầu bao" chia cổ tức khủng cho cổ đông với tỷ lệ 100% bao gồm 50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu.
Với hơn 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CAP dự chi hơn 50 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt. Đồng thời, công ty sẽ phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu trả cổ tức qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 150 tỷ đồng...
Đóng cửa phiên giao dịch 12/3, chỉ số VN-Index tăng 9,51 điểm (+0,77%) lên mức 1.245 điểm. Giá trị khớp lệnh trên hai sàn HOSE và HNX đạt 22.445.8 tỷ đồng, giảm 13% so với phiên trước. Khối ngoại trở thành điểm trừ khi bán ròng trên toàn thị trường.
Nhận định về thị trường phiên tới, các CTCK đa phần vẫn giữ quan điểm tương đối thận trọng về thị trường trước bối cảnh chỉ số đã có đà tăng mạnh trước đó và lực cầu không quá mạnh để đưa thị trường vượt cản.
Theo Chứng khoán BSC, dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện tại ngưỡng 1.235 điểm. Tuy nhiên lực cầu là không lớn, do đó vẫn tiềm ẩn rủi ro thị trường có thể tiếp tục giảm xuống vùng 1.210 – 1.220. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.
Chứng khoán SHS cũng giữ nguyên nhận định cho rằng động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy yếu. VN-Index sẽ tiếp tục đối diện ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm, song ngay cả trong trường hợp lấy lại được mốc này thì khả năng VN-Index hình thành uptrend mạnh mẽ cũng không quá cao, mà sẽ nghiêng về kịch bản giao dịch trong vùng tích lũy trung hạn 1.150 điểm - 1.250 điểm.