Cuối cùng là thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.
Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Cũng ở góc độ cơ sở đào tạo, ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên các ngành đúng liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Trong số 2 chương trình đào tạo đúng và 7 chương trình đào tạo gần, có tới 2/3 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong 9 chương trình đào tạo của trường đều đã được kiểm định và xếp hạng, tầm 400-500 của châu Á và thế giới.
Cũng nhấn mạnh đến đội ngũ giảng viên, theo ông Huỳnh Quyết Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một đề án thu hút nguồn nhân lực cao ở tất cả các lĩnh vực. Vừa qua, trường đã tuyển dụng được 2-3 PGS xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Họ sẽ là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, họ cũng sẽ là chủ lực chia sẻ kinh nghiệm và chúng ta có thể đào tạo lại nguồn giảng viên.
Hai nội dung khác cũng rất quan trọng. Thứ nhất là thu hút sinh viên giỏi phải có sân chơi và đầu ra cho các em, tức là các em phải có sản phẩm của chính mình để đưa vào thực tế. Phải tạo sân chơi cho sinh viên tạo ra các sản phẩm, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn. Vì vậy tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Cần có sự đầu tư, kết hợp các trung tâm lại với nhau để hình thành các phòng thí nghiệm đạt đẳng cấp, cần sự tư duy của các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và trên thế giới để hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn, từ đó mới kỳ vọng mức độ khoa học, nghiên cứu của Việt Nam đạt chuẩn để hình thành các sản phẩm cũng như các doanh nghiệp phục vụ việc phát triển đất nước.
Cuối cùng, thị trường là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta có tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn hay không và muốn có thị trường đó thì cần phải có sự chung sức của các doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam thì cho rằng, với kỹ sư trong ngành bán dẫn, không có năng lực đầy đủ để đào tạo ra một kỹ sư bán dẫn giỏi mà năng lực đó được xây dựng trong quá trình làm việc. Để chuẩn bị cho quá trình đó một cách sẵn sàng, kỹ sư cần phải có những kỹ năng mềm, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo… Những cái đó ở trường đại học cần phải tập trung hơn làm tốt hơn.
Ông Phùng Việt Thắng đồng thời lưu ý sự kết hợp giữa các trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của các doanh nghiệp; thay vì đặt ở doanh nghiệp, đặt ở đâu đó, chúng ta có thể đặt gần trường đại học. Nhấn mạnh thêm “cơ chế sử dụng phòng lab một cách có hiệu quả là điều vô cùng quan trọng”, theo ông Phùng Việt Thắng, điều này liên quan đến hợp tác đầu tư công-tư cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia. Đây là bài toán chung cần giải.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và giao nhiệm vụ các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.
Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm:
Thứ nhất, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước – xã hội – thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Thứ hai, đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất…
Thứ ba, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.
Thứ tư, phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài.
Thứ năm, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để triển khai các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.
Trong đó, Bộ GD&ĐT lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành…
Thủ tướng mong muốn sau hội nghị, các chủ thể liên quan nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để xác định và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Theo Chinhphu.vn