"Mở cửa" tuyển sinh những ngành thiếu giáo viên

Hải Minh | 15/04/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tối đa cho các trường sư phạm đào tạo những ngành còn thiếu giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong Chương trình “Ngày hội kỹ năng - Sư phạm Huế” 2022. Ảnh: Mai Lan

Bắt nhịp với Chương trình GDPT mới

Tán thành với chủ trương của Bộ GD&ĐT “mở cửa” tuyển sinh với các ngành còn thiếu giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) – đề nghị: Bộ cần sớm giao chỉ tiêu để các trường chủ động tuyển sinh, đào tạo. Ngoài ra, Bộ cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn;

Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo liên thông cho học sinh, sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, tổ chức đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; mở mã ngành liên môn/bổ sung tín chỉ cho sinh viên đang học tại trường để dạy liên môn.

Hiện, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã mở một số ngành mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho hay: Ngoài các ngành sư phạm truyền thống, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Theo đó, sinh viên được đào tạo theo hướng tích hợp để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Từ mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường này tuyển 43 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên và ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với chỉ tiêu lần lượt qua các năm 2019, 2020, 2021 là: 50, 100, 120 sinh viên.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tích cực chuyển hướng đào tạo. PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Bên cạnh việc mở các chuyên ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, trường bổ sung kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học tại trường; để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới. Ngoài ra, sinh viên của trường còn được bồi dưỡng giống như giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.

Từ năm 2022 trở đi, các địa phương cần sớm gửi văn bản điều chỉnh nhu cầu giáo viên so với nhu cầu đã đăng ký, tốt nhất là trước ngày 31/12 hàng năm. Trên cơ sở đó, Bộ và các trường sẽ xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh và đào tạo nhằm bảo đảm đủ về số lượng cũng như chất lượng và sát với nhu cầu của các địa phương.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mo-cua-tuyen-sinh-nhung-nganh-thieu-giao-vien-TJctwYUng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mo-cua-tuyen-sinh-nhung-nganh-thieu-giao-vien-TJctwYUng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Mở cửa" tuyển sinh những ngành thiếu giáo viên