Mô hình câu lạc bộ robotics hiện thực hóa lý thuyết, định hướng nghề rõ nét

08/10/2023, 13:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để học sinh có môi trường phát triển đam mê với robot và lập trình, nhiều trường học đã xây dựng câu lạc bộ robotics (CLB).

Thông qua các CLB này, học sinh không chỉ được áp dụng kiến thức học vào thực tế mà còn giúp các em hình thành nhiều kỹ năng làm việc nhóm, phản biện và hiểu thêm các nghề nghiệp có trong lĩnh vực mà bản thân người học yêu thích.

Tạo môi trường để phát triển đam mê

Từ khi còn học THCS, Dương Nghiệp Quý (hiện đang là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật điện của Trường Đại học VinUni, Hà Nội) rất đam mê với lập trình và robotics. Vì vậy để có môi trường thỏa đam mê của mình, chàng nam sinh này đã tham gia CLB Robotics của trường.

Những hoạt động, nghiên cứu trong CLB đã hình thành cho Nghiệp Quý hướng đi cho bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Quý quyết định theo học khối ngành kỹ thuật.

Nghiệp Quý cũng cho biết, những kiến thức về lập trình robot em học được ở bậc phổ thông là nền tảng để vào đại học.

“Em không bị bỡ ngỡ. Nó giúp em giải thích thêm các nguyên lý trong cơ khí và cơ điện tử mà thầy giáo giảng. Vì vậy khi tiếp xúc kiến thức về lập trình ở đại học, em không cảm thấy nó lạ mà rất hứng thú vì được học rất chuyên sâu. Quá trình thay đổi môi trường học, em không bị áp lực tâm lý, sốc hay cảm thấy bị đảo lộn vì phải đổi môi trường học”, nam sinh nói.

Đồng hành cùng học sinh trong CLB robot của trường, bà Phạm Thị Yến - điều phối chương trình STEM, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) cho hay: “Từ những kinh nghiệm thực tế, tôi nhận thấy câu lạc bộ robot trong trường học đóng vai trò rất hữu ích, giúp học sinh phát triển tư duy logic đặc biệt là trong giáo dục STEM và định hướng nghề nghiệp.

Với câu lạc bộ này, học trò sẽ có thêm môi trường phát triển tư duy, sáng tạo và giải quyết vấn đề lý thuyết ứng dụng vào thực tế. Qua đó, học trò được tiếp cận sâu với các nguyên lý khoa học kỹ thuật cơ bản để nghiên cứu thiết kế, lắp ráp và lập trình robot”.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia CLB, học sinh sẽ được làm việc, cùng nhau hoàn thành các dự án robot. Điều này giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác với nhau tạo ra một sân chơi bổ ích giúp học sinh phát triển niềm đam mê khoa học.

Giáo viên ở Lạng Sơn tham gia cuộc thi lập trình và điều khiển robot cấp huyện. ảnh 1
Giáo viên ở Lạng Sơn tham gia cuộc thi lập trình và điều khiển robot cấp huyện.

Định hướng nghề nghiệp dựa trên năng lực và sở thích

Từ những trải nghiệm thực tế của mình, Nghiệp Quý cho rằng, khi học sinh có môi trường phát triển đam mê của mình thì sẽ thuận tiện cho việc hướng nghiệp sớm. Từ đó người học sẽ xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập để chinh phục ước mơ. Bước đến những năm cuối cấp ở bậc THPT, các bạn đã có thể đưa ra cho mình những lựa chọn về ngành nghề, trường đại học mà mình mong muốn học.

Điều này giúp người học tránh tình trạng chọn ngành nghề một cách mông lung, không rõ định hướng, không đúng với sở thích dẫn đến khi vào học không theo kịp chương trình hoặc bản thân cảm thấy không phù hợp dẫn đến chán nản thậm chí nghỉ học giữa chừng.

Các chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận rằng, CLB không chỉ là nơi để thu hút những học sinh cùng đam mê nghiên cứu mà là nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình tìm kiếm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em có mục tiêu rõ ràng cho bản thân trong quá trình học.

Luôn cố gắng để tạo môi trường tốt nhất để học sinh phát triển năng lực, hai năm trở lại đây, Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đặc biệt chú trọng đến phát triển các CLB robot trong trường học.

Việc này nhằm mục đích giúp học sinh, giáo viên có môi trường ứng dụng những kiến thức học trong sách giáo khoa ra thực tế, đồng thời cho những học sinh có đam mê robotis và lập trình được thoả sức sáng tạo, nghiên cứu.

Để khắc phục khó khăn điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các trường tổ chức xây dựng CLB để thầy trò cùng nghiên cứu với nhau. Hàng năm mời một số công ty trong lĩnh vực robotis, lập trình về tập huấn để giáo viên, học sinh được cập nhật thêm kiến thức và có cơ hội học hỏi từ những chuyên gia có kinh nghiệm.

Theo chia sẻ của ông Nông Minh Nhường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia: “Khi triển khai các CLB robot hay dạy lập trình cho học sinh các em rất hứng thú. Lập trình robot sẽ hỗ trợ học trò ứng dụng các kiến thức từ môn Vật lý, Toán học, Tin học vào nghiên cứu. Hoạt động này đã biến những lý thuyết mang tính hàn lâm của các môn khoa học vào các bài học thực tế. Như vậy, nó kích thích học trò học tập, giúp các em không cảm thấy khó, khô khan khi học. Đặc biệt, nó hỗ trợ được rất nhiều trong giáo dục STEM”.

“Khi có các CLB như thế này, học sinh có thêm môi trường nghiên cứu, thỏa đam mê với sự hỗ trợ, cố vấn của thầy cô. Bên cạnh đó, các CLB như thế này có tác động đến định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Vì đó, nó giúp quá trình phân luồng, hướng nghiệp sẽ hiệu quả hơn”, ông Nông Minh Nhường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia, Lạng Sơn cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình câu lạc bộ robotics hiện thực hóa lý thuyết, định hướng nghề rõ nét