Sáng 20/4, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII chính thức khai mạc tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Lễ khai mạc Ngày hội có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo các địa phương.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc Ngày hội, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết "Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ không chỉ là một sự kiện thường niên, là nơi hội tụ của học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đang khao khát viết tiếp câu chuyện đổi mới và kiến tạo tương lai cho đất nước.
Đồng thời, sự kiện khẳng định một thông điệp: Khởi nghiệp không đơn thuần là một lựa chọn nghề nghiệp – đó là cách mỗi học sinh, sinh viên học cách kiến tạo tương lai bằng chính đôi tay và khối óc của mình.
Từ năm 2017, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng được lồng ghép sâu rộng trong chương trình đào tạo, đặc biệt ở bậc đại học và cao đẳng.
Đến nay, hơn 120 cơ sở giáo dục đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo – dưới dạng bắt buộc hoặc tự chọn. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng và giáo trình khởi nghiệp phù hợp với từng cấp học.
Không chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo, các trường đại học còn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp – những người được đào tạo bài bản về kỹ năng, kiến thức, công nghệ số và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục ngày càng khởi sắc. Bộ GD&ĐT phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai hướng dẫn xây dựng không gian sáng tạo, phát triển các chương trình ươm tạo doanh nghiệp và thúc đẩy kết nối với các trung tâm khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Tinh thần khởi nghiệp giờ đây đã lan tỏa sâu rộng, không còn là một khẩu hiệu mang tính phong trào. Theo thống kê, hơn 65% địa phương đã triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường phổ thông. Học sinh được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, trải nghiệm thực tế, từ đó hình thành tư duy khởi nghiệp ngay từ sớm.
Ở bậc đại học, kết quả càng thêm ấn tượng: 100% các cơ sở giáo dục đại học đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp; hơn 75% trường có không gian sáng tạo; 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp; và đặc biệt, tất cả đều có hợp tác với doanh nghiệp, với vai trò dẫn dắt của các doanh nhân giàu kinh nghiệm.
Một số đơn vị đi đầu có thể kể đến như: hai Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Phenikaa, Đại học Duy Tân...
"Có thể nói, từ giảng đường đến doanh nghiệp, từ ý tưởng đến thực tiễn, khát vọng khởi nghiệp đã thực sự bén rễ và đơm hoa kết trái trong lòng thế hệ trẻ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định.
Theo Thứ trưởng, thực tiễn những năm gần đây cho thấy, phần lớn các dự án khởi nghiệp thành công của học sinh, sinh viên đều bắt nguồn từ chính hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong môi trường học thuật.
Những giờ thực hành tại giảng đường, các đề tài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hay những mô hình thử nghiệm nhỏ trong câu lạc bộ, dự án học tập – đã trở thành cái nôi cho ra đời các sản phẩm công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật sáng tạo hoặc mô hình kinh doanh tiềm năng, phục vụ thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Đặc biệt, sản phẩm nghiên cứu khoa học trong nhà trường không chỉ có giá trị học thuật, mà còn đóng vai trò là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mối liên kết này ngày càng chặt chẽ, giúp gắn kết giữa ý tưởng và thị trường, giữa lý thuyết và thực tiễn – từ đó mở rộng cánh cửa cho học sinh, sinh viên bước ra thế giới khởi nghiệp với hành trang vững chắc về kiến thức và kỹ năng.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên.
Nhiều chương trình, cuộc thi, sân chơi học thuật quy mô toàn quốc đã được tổ chức, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thể hiện đam mê nghiên cứu, ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng qua các năm.
Đáng chú ý, nhiều em đã gặt hái được thành tích ấn tượng tại các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, nhất là ở các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học máy tính, công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực công nghệ then chốt khác.
Cùng với sự hỗ trợ thực tiễn, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp trong giáo dục và đào tạo cũng dần được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Khởi nghiệp sáng tạo không còn dừng lại ở khẩu hiệu, các cuộc thi hay các hoạt động truyền thông.
Thay vào đó, nội dung này đã được thể chế hóa trong các Luật, Nghị định và Thông tư – đặc biệt là Luật Giáo dục đại học. Khởi nghiệp giờ đây trở thành một trong những nhiệm vụ chính thức của các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.
Sau 7 năm triển khai, Đề án 1665 không chỉ đơn thuần là một chương trình hành động trong ngành giáo dục, mà thực sự trở thành một động lực, một mắt xích quan trọng đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 – đến nay, 100% các trường đại học, cao đẳng đã có hoạt động truyền thông khởi nghiệp định kỳ, hình thành các kênh truyền thông chuyên biệt như website, fanpage về khởi nghiệp.
Các câu chuyện khởi nghiệp của sinh viên được lan tỏa ngày càng nhiều trên truyền thông đại chúng, báo chí, mạng xã hội. Hình thức và nội dung truyền thông rất đa dạng thông qua hội nghị, hội thảo, cuộc thi, diễn đàn đã thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của học sinh, sinh viên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hành trình khởi nghiệp của học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.
Từ thực tiễn triển khai Đề án 1665 có thể thấy rõ những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho một làn sóng khởi nghiệp trẻ thực sự bền vững và hiệu quả.
Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Phía sau những ngày hội rực rỡ, những sân chơi sôi động, vẫn còn đó những trăn trở chưa dễ giải quyết.
Theo Thứ trưởng, một thực tế được chỉ ra là, nhiều dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng – sáng tạo trên giấy hơn là có khả năng hiện thực hóa thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
Những “góc khuyết” trong hành trang khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay bao gồm: thiếu kiến thức nền tảng về kinh tế – công nghệ, thiếu trải nghiệm thực tế và đặc biệt là thiếu kỹ năng mềm – yếu tố then chốt để giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và thuyết phục nhà đầu tư.
Tổ chức các hoạt động khởi nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính phong trào, chưa thật sự đi vào chiều sâu. Nhiều ngày hội, cuộc thi được tổ chức rầm rộ, nhưng số lượng ý tưởng được nuôi dưỡng lâu dài, số dự án tìm được thị trường hoặc gọi vốn thành công vẫn còn khá khiêm tốn.
"Bao nhiêu ý tưởng đã thật sự được tiếp tục nuôi dưỡng? Bao nhiêu dự án đã thật sự tìm được thị trường? Bao nhiêu bạn trẻ đã thật sự sống được bằng con đường khởi nghiệp của mình? Nếu không có cơ chế hỗ trợ dài hơi, nếu không có mạng lưới nhà đầu tư, thì sân chơi khởi nghiệp trong trường học khó có thể đạt được những kết quả mong muốn", Thứ trưởng nói.
Một rào cản khác đến từ chính tâm lý của người trẻ: nhiều học sinh, sinh viên vẫn e ngại khởi nghiệp vì sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ va vấp. Đây là điều dễ hiểu, khi mà xã hội vẫn còn chưa đủ cởi mở với văn hoá chấp nhận thất bại – yếu tố quan trọng nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp thực chất.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp học đường vẫn còn hạn chế, nhất là với các dự án tiềm năng nhưng chưa có đủ dữ liệu hay thị trường để thuyết phục nhà đầu tư.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên số.
Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 57 như một “hạ tầng thể chế” then chốt, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi độ tuổi – đặc biệt là thế hệ trẻ trong học đường. Với học sinh, sinh viên – lực lượng nòng cốt của công cuộc đổi mới sáng tạo – đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn lao: vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách, vừa là chủ thể trực tiếp kiến tạo giá trị trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục Việt Nam đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương pháp và triết lý.
Từ chỗ “dạy chữ, dạy nghề”, giáo dục hiện đại phải tiến tới mục tiêu cao hơn: ươm dưỡng tinh thần khởi nghiệp, khả năng giải quyết vấn đề và hình thành khát vọng công dân toàn cầu cho mỗi học sinh, sinh viên.
Chính sách đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – đi cùng với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao đối với thế hệ trẻ, đối với sự nghiệp giáo dục quốc gia.
"Giai đoạn đột phá đang mở ra một kỷ nguyên mà trong đó, mỗi học sinh, sinh viên sẽ không chỉ là người học, mà còn là người sáng tạo, khởi nghiệp và kiến tạo tương lai", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.