Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Muốn học sinh có nhân cách được vun bồi, giàu trải nghiệm, bản thân giáo viên phải có một tâm hồn phong phú, giàu xúc cảm và tri thức. |
Nói về phương pháp và cách thức triển khai văn hóa giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến 6 nội dung, đó là: Tư tưởng, triết lý giáo dục; xây dựng thể chế; tạo dựng xã hội học tập; củng cố và phát triển đội ngũ những người làm giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các nhà giáo; triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018; xây dựng văn hóa học đường.
Theo Bộ trưởng, muốn học sinh có nhân cách được vun bồi, giàu trải nghiệm, bản thân giáo viên phải có tâm hồn phong phú, giàu xúc cảm và tri thức.
Còn triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 được xem là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền giáo dục theo hướng giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng nhấn mạnh yếu tố đầu tiên: Giáo dục phát triển văn hoá không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ các nội dung văn hoá, mà trước tiên là giáo dục tư chất, nâng cao các năng lực tư duy cũng như phát triển cảm xúc thẩm mỹ, xúc cảm xã hội và sự thấu cảm.
Thứ hai, mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá qua giáo dục thực sự hiệu quả khi chính bản thân học sinh được tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, trải nghiệm thực tế, được đưa ra quyết định của mình, dẫn tới việc thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi và thế giới quan.
Thứ ba, quá trình phát triển và triển khai chương trình cần đặc biệt chú trọng hoạt động trải nghiệm thực tế toàn diện về cuộc sống, giúp học sinh được phát triển nhận thức về sự đa dạng của văn hoá, từ đó hình thành thế giới quan và nhân cách của bản thân học sinh.
Cuối cùng, chương trình giáo dục phục vụ mục đích phát triển văn hoá không thể chỉ giới hạn trong phạm vi trường học. Gia đình và cộng đồng có vai trò không thể thay thế trong việc mang lại những tiếp xúc và trải nghiệm văn hoá chân thực cho học sinh.
Về xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng cho rằng, đây có thể xem là một điểm nhấn trong các giải pháp để thực hiện chương trình phát triển giáo dục văn hóa.
Những gì đang diễn ra trong trường học đạt tới chuẩn và thể hiện được giá trị thì đó là văn hóa học đường. Xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh và lấy đó là gốc cho phát triển văn hóa. Thầy và trò cần tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử, các chuẩn trong trường học, chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn môi trường giáo dục.
Cần chú ý đến hai phương diện: Giáo dục nhằm tạo lập hệ giá trị và giáo dục nhằm rèn luyện, định hướng thái độ và hành vi ứng xử. Có thể nói có 3 từ khóa quan trọng nhất để xây dựng văn hóa học đường là: Hệ giá trị tốt đẹp - thái độ đúng đắn - hành vi phủ hợp. Toàn bộ hoạt động của nhà trường trong việc định hướng cho học sinh cũng chỉ là xây dựng được những giá trị, định hướng thái độ và hành vi.
Chỉ thị số 08/CT-TTg đã xác định những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ nội dung cần thực hiện: Triển khai thật tốt Chương trình GDPT 2018; chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử trường học; tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống thư viện và các yếu tố hạ tầng khác; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, ý thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo.
Để thực hiện tốt những điều này, Bộ trưởng lưu ý, không chỉ có nhà trường mà cần phải có sự tham gia của gia đình và xã hội, trong đó có phụ huynh và người thân học sinh.
Văn hóa học đường cần hội đủ các điều kiện quan trọng như sau: Đạo lý thầy, trò đủ thiêng liêng; Nhà giáo đủ sống bằng thu nhập thông qua hoạt động giảng dạy chân chính; Trường học đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; Học liệu phục vụ hoạt động dạy học phải đầy đủ; Kỷ cương, nguyên tắc đủ mạnh để tất cả cá nhân, bộ phận phải thực thi nghiêm túc; Tài chính đủ chi trả cho các hoạt động của nhà trường; Học trò có đầy đủ cơ hội học tập và phát huy năng lực cá nhân; Phụ huynh có đủ niềm tin vào nhà trường; Mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội đủ chặt.
“Những cái “đủ” ở trên phải thực sự đầy đủ thì văn hóa mới hiện diện và thể hiện được một cách đầy đủ” - Bộ trưởng bày tỏ.
Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” khai mạc sáng 17/12 tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh). Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức.