Ngoài các khoản mua sắm, chuẩn bị cho Tết. Các khoản chi tiêu cuối năm cũng khiến các tân cử nhân đau đầu mỗi khi nghĩ tới, điều này khiến họ phải lên phương án chi tiêu hợp lý, kĩ càng để giúp tiết kiệm.
Với Đặng Thu, cô cho rằng mức lương công ty mới tuy nhỉnh hơn một chút, nhưng với chi phí đấy trước khi nghỉ Tết, cô phải đóng tiền nhà, chi phí ăn uống, đi lại, mua sắm. Cô tính từ đây đến tết còn khoảng 1-2 đám cưới nữa, nên chi phí sẽ giảm còn một nửa.
Cuối năm là thời điểm Vũ Ngát vật lộn với những khoản chi tiêu phát sinh. Ảnh: NVCC. |
“Sau 2 năm dịch, bạn bè, đồng nghiệp rục rịch cưới xin. Riêng trong tháng 11, mình có 6 thiệp mời, điều này tiêu tốn gần hết nửa tháng lương. Thật sự đau đầu”, cô nói.
Tương tự, với Vũ Ngát, cuối năm là thời điểm cô vật lộn với những khoản chi phí phát sinh, bao gồm tiệc liên hoan, gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp cuối năm, tiệc sinh nhật, cưới hỏi.
Dù cố gắng tiết kiệm ở mức tối đa, cô vẫn không tránh khỏi những khoản chi này. Điều này thúc đẩy cô bạn lên kế hoạch, kiểm soát tài chính cuối năm, đủ để sắm sửa cho Tết.
Ngát bắt đầu ghi lại những khoản đã chi tiêu ở mục ghi chú. Bên cạnh đó, cô áp dụng quy tắc mua - vừa - đủ - dùng, tham khảo và so sánh giá trước khi mua mặt hàng nào đó.
Bên cạnh mua sắm, cô cũng lên kế hoạch mừng tuổi với nhiều mức giá, mang ý nghĩa lấy may. Ngát lấy ví dụ mừng tuổi ông bà, bố mẹ, cô lựa chọn tờ tiền màu đỏ, gam màu mang đến phúc lành, thịnh thượng, chứ không nhất thiết phải là mệnh giá quá lớn. Các cháu nhỏ sẽ với dao động nhiều mức giá khác nhau, từ 10.000 - 50.000 đồng.
Tương tự, để giảm áp lực lì xì đầu năm, Đặng Thu không đặt nặng vấn đề phải lì xì bao nhiêu tiền. Cô tự nhủ năm mới tặng quà, biếu tiền gia đình, lì xì cho trẻ con là điều cần thiết. Nhưng không phải cứ quà xịn, quà đắt hay nhìn sang trọng sẽ được lòng người nhận. Do đó, cô sẽ cân đối số tiền để giúp bản thân chủ động và tiết kiệm hơn khi chi tiêu ngày Tết.
Bên cạnh đó, để chi tiêu cận Tết với nguồn thu hạn chế, Thu cũng đã thực hiện kế hoạch mua sắm từ sớm, bởi những ngày cận Tết, hầu hết mặt hàng đều tăng cao. Do vậy, việc chuẩn bị đồ Tết trước một thời gian sẽ giúp cô mua với mức giá hợp lý. Thỉnh thoảng, Thu tìm kiếm các chương trình giảm giá, hay rủ đồng nghiệp mua chung sản phẩm.
Đối với Hoàng Oai, để có thể phân bổ chi tiêu hợp lý, cậu cũng ghi lại những khoản cần chi tiêu và sắp xếp theo mức độ cần thiết giảm dần.
"Sau khi cộng tổng tất cả các khoản lại mà vẫn thấy âm, mình khá lo ngại vì bản thân cũng muốn mua phụ mẹ những món đồ ngon ngày Tết, hoặc những đồ vật lạ, không có ở quê", Oai chia sẻ.
Lên kế hoạch kinh doanh để thu nhập dịp Tết. Ảnh: NVCC. |
Để bù lại vào khoản tiền dự trù đang bị âm, những ngày này, Oai tranh thủ bán các mặt hàng, sản phẩm phục vụ cho Tết như giỏ quả, rượu đóng hộp, hoa giấy... bằng cách đăng bài trên trang cá nhân.
Hoàng Oai hy vọng "buôn may bán đắt" để bản thân có thêm một khoản thu nhập nhỏ cho ngày Tết.
Giống Ngát và Thu, Hoàng Oai coi lì xì là một món quà may mắn đầu năm, dù nhà đông trẻ nhỏ, cậu bạn vẫn cố gắng trích một phần thu nhập để lì xì cho các em và gia đình.
Ngoài ra, cậu cũng cho rằng việc sắm sửa cho bản thân ngày Tết cũng khác hồi sinh viên, mặc dù đã đi làm, có thu nhập nhưng cũng đồng nghĩa với việc các khoản cần chi cũng tăng lên, đồ gì cậu thấy thật sự cần thiết thì mua, không thì tận dụng lại những đồ cũ.
Nhìn lại một năm đã qua, Oai hứa với bản thân rằng năm mới sẽ cố gắng nhiều hơn để có được một khoản tích luỹ, cuối năm có chút dư giả, đủ để thoải mái chi tiêu mà không cần phải suy nghĩ nhiều.